ClockThứ Sáu, 04/06/2021 09:01

Nhồi máu cơ tim ngày càng trẻ hóa

TTH - Đáng báo động là các bệnh lý tim mạch ngày càng trẻ hóa. Để giúp độc giả hiểu hơn về nguyên nhân cũng như những cách thức phòng ngừa căn bệnh có nguy cơ tử vong hàng đầu này, Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS. Hoàng Anh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trường đại học Y Dược, Đại học Huế.

Ăn cá mỗi ngày có thể tránh nguy cơ đau timCứu sống bệnh nhân ngừng tim ngoại viện do nhồi máu cơ tim cấp

PGS.TS. Hoàng Anh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trường đại học Y Dược, Đại học Huế

Nói về một vài con số đáng báo động về tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở người trẻ, PGS.TS. Hoàng Anh Tiến cho biết:

Mặc dù bệnh động mạch vành chủ yếu xảy ra ở bệnh nhân trên 45 tuổi, nhưng hiện nay, nhồi máu cơ tim ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Các khuyến cáo gần đây đã sử dụng tuổi dưới 45 để xác định bệnh nhân “trẻ tuổi” bị bệnh động mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim cấp.

Trong nghiên cứu Framingham, tỷ lệ nhồi máu cơ tim trong 10 năm theo dõi là 13/1000 ở nam giới từ 30 đến 34 tuổi và 5/1000 ở nữ giới từ 35 đến 44 tuổi. Tỷ lệ nhồi máu cơ tim cao gấp 9 lần ở nhóm tuổi 55 đến 64 so với nhóm tuổi 35 đến 44. Trong những nghiên cứu khác, 4 đến 10% bệnh nhân nhồi máu cơ tim từ 45 tuổi trở xuống. Đối với bệnh động mạch vành từ 40 tuổi trở xuống thì nữ giới chiếm 5,6 và 11,4% tổng số bệnh nhân nhồi máu cơ tim.

Ông có thể chia sẻ về một trường hợp bệnh nhân rất trẻ tuổi bị nhồi máu cơ tim nhập viện tại Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế?

Đơn vị can thiệp tim mạch Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế từng tiếp nhận bệnh nhân nữ người dân tộc 30 tuổi nhập viện vì đau ngực kéo dài với tiền sử hút thuốc vấn và dùng thuốc tránh thai kéo dài. Bệnh nhân được chụp động mạch vành cấp cứu và phát hiện tắc hoàn toàn từ đoạn gần của động mạch vành phải nhưng không có kinh phí để đặt stent động mạch vành. Sau đó, được sự đồng ý tặng stent của Ban giám đốc Bệnh viện cho trường hợp có hoàn cảnh khó khăn và thời gian sống dài, chúng tôi đã tiến hành đặt 1 stent động mạch vành phủ thuốc và tái thông dòng chảy hoàn toàn đối với động mạch vành phải. Bệnh nhân sau đó đã cải thiện triệu chứng đau ngực, chức năng tim phục hồi và ra viện sau 3 ngày.

PGS.TS Hoàng Anh Tiến khám bệnh cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trường đại học Y Dược

Bệnh nhân nhồi máu cơ tim trẻ tuổi có đặc điểm là có nhiều yếu tố nguy cơ phối hợp, thường chủ quan trong việc thăm khám sức khỏe định kỳ, tổn thương đơn nhánh động mạch vành, tiền sử gia đình có người mắc bệnh động mạch vành sớm. Tuy vậy, tiên lượng ở những bệnh nhân này sau can thiệp động mạch vành thường tốt hơn do khả năng phục hồi tốt của cơ tim sau thiếu máu.

Bệnh tim mạch biểu hiện chủ yếu dưới các dạng nào, thưa PGS?

“Tại Bệnh viện Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế tỷ lệ bệnh nhân nhồi máu cơ tim dưới 45 tuổi cách đây 5 năm là 12% trên tổng số bệnh nhân nhồi máu cơ tim nhập viện. Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây, tỷ lệ NMCT ở người trẻ tuổi không ngừng tăng lên với mức hiện nay là 16%"

PGS.TS. HOÀNG ANH TIẾN

Các khuyến cáo tim mạch mới của Hội Tim mạch châu Âu, Hội Tim mạch Hoa Kỳ và Hội Tim mạch học Việt Nam có xu hướng thống nhất chia bệnh lý động mạch vành thành hội chứng động mạch vành cấp và hội chứng động mạch vành mạn tính.

Dấu hiệu lâm sàng đặc trưng nhất của bệnh động mạch vành là đau ngực có tính chất nhói, thắt, bóp nghẹt vùng trước tim; đau ngực lan ra cánh tay trái, mặt trong; đau ngực tăng lên khi gắng sức, stress và giảm đi khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn động mạch vành.

Ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim, triệu chứng đau thắt ngực kéo dài trên 30 phút và không đáp ứng với thuốc giãn vành thông thường. Tuy vậy, một số trường hợp như người mắc bệnh đái tháo đường, người lớn tuổi, tình trạng suy kiệt thì triệu chứng đau ngực không điển hình và lúc đó cần làm thêm các xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán bệnh động mạch vành như: điện tâm đồ, siêu âm tim,…

Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý về tim mạch, đặc biệt là tình trạng nhồi máu cơ tim ngày càng trẻ hóa là gì?

Bệnh nhân trẻ tuổi bị nhồi máu cơ tim thường có nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành. Có tới 90 đến 97% bệnh nhân có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ truyền thống như hút thuốc lá (tăng nguy cơ lên 1,4 lần), rối loạn lipid máu (tăng nguy cơ 1,9 lần), huyết áp cao (tăng nguy cơ 1,3 lần). Ngoài ra, các nguyên nhân khác có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi, như: bệnh Kawasaki, dùng thuốc tránh thai ở phụ nữ trẻ, đặc biệt khi hút thuốc lá nhiều, dùng cocain, stress nhiều, dùng bia rượu nhiều…

Vậy người trẻ cần làm gì để phòng ngừa các bệnh tim mạch nói chung và nhồi máu cơ tim nói riêng?

Việc thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, tăng cường hoạt động thể chất, cải thiện chế độ ăn uống có những tác dụng hữu ích quan trọng đối với phòng ngừa bệnh tật và tử vong do tim mạch và nhồi máu cơ tim.

Nên tuân thủ chế độ ăn sử dụng nhiều rau, trái cây, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, rau hoặc protein động vật và cá. Trong chế độ ăn nên hạn chế tối đa việc tiêu thụ muối, chất béo bão hòa, thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, carbohydrate tinh chế và đồ uống có đường.

Hoạt động thể chất thường xuyên có nhiều lợi ích cho tim mạch, bao gồm giảm cân, cải thiện lipid máu và giảm huyết áp, cũng như phòng ngừa bệnh đái tháo đường type 2. Nên tham gia ít nhất 150 phút mỗi tuần hoạt động thể chất cường độ trung bình hoặc 75 phút mỗi tuần hoạt động thể chất cường độ cao.

Thừa cân hoặc béo phì, đặc biệt là vùng bụng, có liên quan đến tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch và chỉ đứng sau hút thuốc lá. Thừa cân và béo phì góp phần vào hội chứng chuyển hóa, gồm tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và kháng insulin tiền đề cho bệnh đái tháo đường và dẫn đến vữa xơ động mạch và nhồi máu cơ tim. Mỗi người nên duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI - được tính bằng cân nặng tính bằng kg chia cho chiều cao tính bằng m bình phương - từ 18,5-22,9, vòng bụng nam dưới 90 cm, nữ dưới 80 cm).

Ngừng hút thuốc tạo ra những lợi ích lớn và quan trọng đối với bệnh tim mạch. Hạn chế rượu bia, uống không quá 2 ly mỗi ngày đối với nam và không quá 1 ly mỗi ngày đối với nữ. Tiêm phòng cúm hằng năm. Theo dõi và khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/1 lần.

Xin cảm ơn ông!

NGỌC HÀ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ mất an toàn tại các "điểm đen" giao thông

Gần đây, hệ thống giao thông ở Phong Điền không ngừng được đầu tư, nâng cấp, kết nối thông suốt. Tuy nhiên, hiện tại các ngã ba, ngã tư ở các quốc lộ (QL), tỉnh lộ (TL)… qua địa bàn Phong Điền có nguy cơ thành “điểm đen”, mất an toàn giao thông (ATGT).

Nguy cơ mất an toàn tại các điểm đen giao thông
Thanh niên suy tim hồi sinh nhờ tạng hiến

Trái tim của một chàng trai 24 tuổi đã vượt chặng đường hơn 600km từ Hà Nội vào Huế, “thắp” lên sự sống cho một thanh niên đồng trang lứa suy tim nặng. Đây là ca ghép tim thứ 14 tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 13 của đơn vị.

Thanh niên suy tim hồi sinh nhờ tạng hiến
Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS:
Số ca nhiễm và tử vong do HIV giảm đáng kể

Số ca nhiễm mới và tử vong do HIV đã và đang ghi nhận sự giảm đi đáng kể trên toàn thế giới, đánh dấu bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này.

Số ca nhiễm và tử vong do HIV giảm đáng kể
27 điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Trung Bộ

Do ảnh hưởng của mưa kéo dài, mô hình độ ẩm đất tại một số khu vực ở Trung Bộ đã gần bão hòa hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong khi đó, dự báo trong 3-6 giờ tới, khu vực trên tiếp tục có mưa. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại nhiều địa phương.

27 điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Trung Bộ
Return to top