Bác sĩ Đặng Thế Uyên (đứng hàng cuối) bám sát, theo dõi các chỉ số huyết động trong quá trình diễn ra ca ghép tim “Xuyên Việt” vào tháng 5/2018 tại BV Trung ương Huế
Căng mình với người bệnh
Tại Khoa GMHS, Trung tâm Tim mạch (TTTM), Bệnh viện (BV) Trung ương Huế, không khí làm việc luôn trong tình trạng căng thẳng. Các y, bác sĩ từ giường bệnh này đến giường bệnh khác để điều trị hồi sức cho bệnh nhân. Bác sĩ CK II Đặng Thế Uyên, Trưởng khoa giải thích, đó là nghề “đi trước, về sau” và đưa phẫu thuật viên (PTV) lên “đài danh vọng”.
Bác sĩ Uyên diễn giải, trong mỗi cuộc phẫu thuật, ê kíp gây mê luôn phải vào phòng mổ trước để đánh giá tình trạng bệnh nhân, thực hiện các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân. Sau khi gây mê xong, bệnh nhân đi vào giấc ngủ, lúc đó mới đến công việc của PTV... Sau ca mổ, PTV có thể tháo găng, cởi đồ nhưng ê kíp GMHS đưa bệnh nhân sang phòng hồi sức. Lúc này, bệnh nhân được bước vào “phần 2” của quá trình điều trị, giảm đau sau mổ.
Kinh nghiệm gần 30 năm trong nghề, bác sĩ Uyên đủ cơ sở để nói rằng, nghề GMHS luôn phải nghiêm túc và chính xác, chỉ để một sai sót rất nhỏ có thể dẫn tới những tai biến khó lường, trả giá sinh mạng. “Nhất là thời điểm sau mổ, bệnh nhân rơi vào trạng thái rất yếu, chỉ một biến đổi nhỏ về chỉ số nhịp tim, huyết áp của người bệnh đều khiến bác sĩ gây mê, hồi sức chăm sóc bệnh nhân “căng mình, vã mồ hôi”, bác sĩ Uyên nói.
Dẫu ở tuyến huyện, nhưng BV Phú Vang đã trở thành đơn vị mũi nhọn về phẫu thuật ngoại khoa. Hàng ngày, ở BV này diễn ra không dưới 5 ca phẫu thuật lớn về ngoại tiêu hóa, u nang, u xơ tử cung, thủng viêm ruột thừa... Chính những cuộc mổ xẻ này, công việc của đội ngũ y, bác sĩ GMHS ở đây cũng “căng mình” không kém.
Bác sĩ Trần Văn Đức, Trưởng khoa GMHS, BV Phú Vang chia sẻ, với một ca phẫu thuật bác sĩ GMHS luôn bám bệnh nhân, nhất là trong quá trình phẫu thuật, phải theo dõi sát để điều chỉnh liều lượng thuốc mê phù hợp; theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn của mạch, huyết áp... Sau phẫu thuật, bác sĩ GMHS vẫn tiếp tục, giúp bệnh nhân thoát mê, thở tự nhiên, tỉnh táo, ăn uống được mới yên tâm.
Hơn 12 năm trong nghề, bác sĩ Đức cho rằng, để phẫu thuật an toàn, bác sĩ gây mê phải tiên lượng, đánh giá thực trạng bệnh không chỉ dựa vào các kiến thức mà còn bằng chính sự nhạy cảm, trải nghiệm nghề nghiệp. Khi GMHS cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh phải tuyệt đối không để xảy ra sai sót dù rất nhỏ. Hỏi nguyên nhân, bác sĩ Đức lý giải, cấu trúc cơ thể trẻ sơ sinh chưa phát triển bình thường như người lớn. Do đó, quá trình gây mê rất dễ xảy ra co thắt thanh quản, nguy cơ tử vong cao.
Cứu nhiều trường hợp
nguy kịch
Thời gian qua, trong các ca phẫu thuật cứu sống bệnh nhân nặng, nguy hiểm ở BV Trung ương Huế đều có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ bác sĩ gây mê hồi sức ở TTTM. Tại địa chỉ này, bình quân mỗi năm phẫu thuật tim hở và can thiệp động mạch vành hơn 5.000 trường hợp; trong đó, hơn 200 trường hợp trẻ em bị tim bẩm sinh.
Đội ngũ y, bác sĩ khoa GMHS của TTTM đã đồng hành, tạo “bệ đỡ” an toàn giúp KTV vững tin hoàn thành tốt từng ca mổ, trong đó có nhiều trường hợp trẻ mắc tim bẩm sinh mới sinh ra vài ngày, trọng lượng chưa đến 2kg... Điều hạnh phúc hơn hết của y, bác sĩ GMHS của TTTM là đã góp không nhỏ cho BV Trung ương Huế gần đây thực hiện thành công những ca ghép tim “xuyên Việt”, trở thành thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam.
Bác sĩ Trần Hoài Ân, Giám đốc TTTM, BV Trung ương Huế cho biết, trong số những ca ghép tim “xuyên Việt” vừa qua, trưởng ê kíp GMHS không ai khác chính là bác sĩ Đặng Thế Uyên. Khi hỏi về những ca ghép tim “xuyên Việt”, bác sĩ Uyên cho rằng, đó là những đỉnh cao của nền y học Việt Nam và thế giới, trong đó có vai trò quan trọng của ê kíp GMHS.
Dù việc ghép tim phức tạp, phải chạy đua với thời gian tính bằng giây, nhưng các ê kíp GMHS phải cho bệnh nhân ngưng tim, sử dụng máy tim phổi nhân tạo, điều chỉnh các thông số sao cho phù hợp với bệnh nhân để phối hợp với các ê kíp liên ghép thuận lợi, không để xảy ra dù chỉ là sai sót nhỏ. Hầu hết các bệnh nhân chỉ sau một ngày sau ghép đều hồi tỉnh, sức khỏe ổn định. Đơn cử ca ghép tim vào 14/6/2018 cho em Phạm Văn C. (15 tuổi, TP. Đà Nẵng), bị suy tim giai đoạn cuối, thời gian sống chỉ tính bằng ngày. Bây giờ, em C. đã mạnh khỏe, thỉnh thoảng lại ra thăm các y, bác sĩ tại TTTM.
Bác sĩ Trần Văn Đức có thâm niên “canh gác” ở ranh giới sinh tử nhiều ca phẫu thuật tại BV Phú Vang với sự tận tâm của mình chưa để xảy ra một sự cố nào cho bệnh nhân, dù mổ cấp cứu. Có nhiều ca mổ tưởng chừng như sự sống của bệnh nhi không còn nữa nhưng với sự quyết tâm, các bác sĩ GMHS ở đây cùng với bác sĩ các chuyên khoa khác kịp thời cứu sống nhiều trường hợp rơi vào tình huống nguy kịch.
Mới đây, một cháu bé ở xã Vinh Hưng (Phú Lộc) bị tai nạn giao thông vào BV Phú Vang trong tình trạng đa chấn thương nặng: xuất huyết ổ bụng, vỡ gan lách, gãy hở xương đùi phải. Chạy đua với “thời gian vàng” giúp bé qua “cửa tử”, chính bác sĩ Đức là người trực tiếp gây mê cùng các PTV can thiệp sớm. Lúc này bé mất khá nhiều máu, mạch và huyết áp không đo được, buộc bác sĩ Đức phải vừa hồi sức vừa bơm máu cho bé để các PTV tiến hành phẫu thuật. “Với trường hợp này, chúng tôi phải bơm máu chứ không kịp truyền máu như những ca phẫu thuật khác, để kịp thời đảm bảo máu cung cấp ôxy cho các mô, nếu không bệnh nhân sẽ nguy hiểm. Rất may sau phẫu thuật, huyết áp của bệnh nhân tạm ổn, dịch ở ổ bụng loãng dần, các bác sĩ mới nhẹ nhõm”, bác sĩ Đức nói.
Theo bác sĩ Đặng Thế Uyên, nghề nào cũng có cái hay và cái khó, khi đã chọn thì phải tận tâm, tận lực, với y, bác sĩ thì phải coi tính mạng người bệnh lên trên hết. Niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của y, bác sĩ GMHS chính là chứng kiến nhiều bệnh nhân khỏi bệnh, trở về với cuộc sống bình thường...
Khác với các nước, ở Việt Nam, hầu hết sau những cuộc phẫu thuật bác sĩ GMHS ít được bệnh nhân và người nhà biết đến mà chỉ ấn tượng với PTV, bác sĩ ngoại khoa. Nghề GMHS thầm lặng, thường “đi trước, về sau” trong mỗi cuộc phẫu thuật; đồng thời, được ví như bước thang để PTV lên đài danh vọng “bàn tay vàng”. |
Bài, ảnh: MINH VĂN