Ca bệnh nhiễm virus nCoV đã được điều trị ổn định. Ảnh:TTXVN
Hiện Việt Nam đã ghi nhận 6 trường hợp dương tính với bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCOV), trong đó 5 bệnh nhân trước đã được điều trị ổn định, hết sốt, có 1 trường hợp đã khỏi bệnh. Người dân cũng đang rất lo lắng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người thắc mắc về mức độ nguy hiểm của bệnh, những ai dễ tử vong nếu mắc bệnh.
Về vấn đề này, PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Những người có nguy cơ cao mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV là những người đi từ vùng dịch trở về, những người tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với những người đi từ vùng dịch về mà nhiễm bệnh. Cụ thể là những người cùng chung sống, sinh hoạt với những người nhiễm bệnh; những người đi cùng trên máy bay, tàu, ôtô, trong các đám tụ họp, trong bệnh viện mà có người bị nhiễm bệnh; những người làm công tác ở sân bay, cửa khẩu mà phải tiếp xúc với những người nhập cảnh nhiễm bệnh, người nhà, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân...
Người dân chỉ có thể mắc nCoV khi có tiếp xúc với nguồn bệnh; bệnh lây qua giọt nước bọt mang virus khi người bệnh ho, hắt hơi, qua tay, chân, vật dụng… có virus bám vào. Những người tiếp xúc với nguồn bệnh mà không có biện pháp phòng bệnh nghiêm ngặt rất dễ nhiễm bệnh.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, những người dễ biến chứng nặng, tử vong khi mắc nCoV là những người có sức đề kháng kém, những người có sẵn bệnh nền mãn tính như: Đái tháo đường, bệnh người cao tuổi... nguy cơ tử vong sẽ cao hơn.
Để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV, mỗi người dân cần thực hiện khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế. Quan trọng nhất là người dân cần thực hiện vệ sinh cá nhân thường xuyên, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, che miệng khi ho, hắt hơi; đặc biệt là tránh tiếp xúc gần với động vật nuôi và động vật hoang dã, chỉ sử dụng thực phẩm chín...
Theo Báo Tin tức