ClockThứ Tư, 30/10/2019 15:00

Phòng, chống bệnh tay chân miệng

TTH - Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 76 trường hợp bệnh tay chân miệng (TCM), không tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, không chủ quan vì bệnh này thường mắc cao vào mùa thu đông.

Hương Thủy: Tăng cường phòng chống dịch bệnh tại trường họcKêu gọi cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi

 Khám tầm soát bệnh TCM tại BV thị xã Hương Thủy

Bà Nguyễn Thị Thu (phường Thủy Lương, Hương Thủy) cho biết, cháu trai của bà bị sốt liên tục trong 2 ngày, sau đó xuất hiện các nốt phỏng ở tay, chân nên đã đưa tới Bệnh viện Hương Thủy để theo dõi chữa trị. “Cháu cứ sốt kéo dài, cho uống thuốc hạ sốt cũng không giảm. Sau khi bác sĩ khám, tư vấn chúng tôi mới biết đó là bệnh TCM”. Bà Thu nói.

Ở thị xã Hương Thủy, từ đầu năm 2019 đến nay xảy ra 18 trường hợp TCM. Đa phần các trường hợp mắc đều vào thời điểm bước vào năm học mới. Đây là tỷ lệ mắc khá cao so với các địa phương khác, chỉ đứng sau TP. Huế (26 ca), tuy nhiên đã giảm hẳn so với năm 2018.

Theo bác sĩ CK II Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc TTYT thị xã Hương Thủy, bệnh TCM đa số xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi, phổ biến nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ, càng dễ có triệu chứng nặng hơn. Các biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, loét miệng, lợi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông... Tác nhân gây bệnh là do vi rút Coxsackie gây nên. Vi rút có khả năng lây lan rất nhanh qua đường miệng hoặc các chất tiết từ mũi miệng hay phân của trẻ mắc bệnh. Do đó, bệnh TCM dễ lây truyền từ trẻ bệnh sang trẻ lành qua đường ho hắt hơi; hay trẻ lành cầm nắm đồ chơi, chạm vào sàn nhà bị dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh; hoặc lây qua bàn tay của người chăm sóc trẻ. Khi vi rút xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết, từ đó phát triển rất nhanh và gây ra các tổn thương da và niêm mạc.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quang Hợp, Trưởng khoa Phòng chống các bệnh lây nhiễm, CDC tỉnh thông tin, TCM là bệnh thường ghi nhận ở trẻ nhỏ, do đó các phụ huynh, thầy cô giáo ở các trường mẫu giáo, mầm non cần quan tâm đảm bảo vệ sinh môi trường thoáng đãng sạch sẽ cho trẻ trong sinh hoạt vui chơi và học tập. Cách phòng ngừa cũng đơn giản, như phòng ốc, sàn nhà lau chùi sắp xếp ngăn nắp gọn gàng; các cô giáo có trách nhiệm nhắc nhở, vệ sinh cho các cháu sau khi đi vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn cho trẻ. Khi trẻ có biểu hiện của bệnh báo sớm cho phụ huynh để cách ly, tránh lây lan cho những thành viên khác trong lớp...

"Bệnh TCM chưa có vắc xin phòng bệnh hiệu quả. Vì vậy, các phụ huynh, giáo viên phụ trách hệ thống giáo dục mầm non cần nâng cao ý thức và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh TCM cho con em mình". Bác sĩ Hợp nói.

Ông Phan Đăng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm CDC tỉnh chia sẻ, để hạn chế số ca mắc bệnh TCM thấp nhất trong những tháng tới, hiện nay CDC tăng cường phối hợp với các trường mầm non, nhà trẻ mẫu giáo và các hộ gia đình nhận nuôi trẻ về công tác truyền thông để nhận biết bệnh TCM. Đơn vị cũng đề nghị các cơ sở y tế thường xuyên phối hợp với các trường học làm tốt công tác khử khuẩn, đảm bảo môi trường không có mầm bệnh, giúp các cháu được học tập, sinh hoạt tốt.

Mới đây, Bộ Y tế có công văn yêu cầu các sở y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh TCM, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM tại các trường học, đặc biệt tại các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng, nước sạch và có vị trí thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; tổ chức vệ sinh lớp học và đồ chơi hằng ngày phải tẩy rửa, vệ sinh sạch sẽ.

Bài, ảnh: Minh Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phòng, chống bạo lực học đường: Nhà trường và gia đình cần theo sát con trẻ

Bạo lực học đường thực sự luôn rình rập, hiện hữu ở bất cứ ngôi trường nào. Ngoài những học sinh cá biệt, có xu hướng bạo lực thì nhiều hành vi bạo lực xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của học sinh. Các con chỉ nghĩ đơn giản “dọa cho bạn sợ” chứ không lường được những hậu quả, tổn thương tâm lý mà mình gây ra cho bạn học...

Phòng, chống bạo lực học đường Nhà trường và gia đình cần theo sát con trẻ

TIN MỚI

Return to top