Xếp hàng dài chờ đăng ký tiêm phòng vắc xin cho con
Lường trước nhưng vẫn "vỡ trận"
Từ sáng sớm ngày 8/5, rất đông phụ huynh không chỉ ở địa bàn Thừa Thiên Huế đến Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh (109 Phan Đình Phùng, TP. Huế) đăng ký để tiêm phòng vắc xin dịch vụ.
Hàng nghìn người xếp hàng dài rồng rắn rất khổ sở trên đường Phan Đình Phùng vào điểm đăng ký. Có nhiều người từ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam... đến xếp hàng từ lúc 4 giờ. Chị Lê Thị X., ở phường Hương Văn, TX. Hương Trà, vừa sinh cháu được 5 tháng, thở phào: "Nghe thông báo, em vào đây lúc 4 giờ sáng, đến hơn 7 giờ mới được nhận phiếu hẹn tiêm phòng cho con. Em yên tâm vì sau mấy tháng chờ đợi giờ cháu mới được tiêm được mũi 1". Quan sát ở đây, nhiều phụ huynh mồ hôi nhễ nhại, thở dài vì cảnh chen lấn, xếp hàng. Bên trong khu vực đăng ký, nhiều cán bộ của Sở Y tế được tăng cường đến hỗ trợ, thậm chí Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Nam Hùng phải lùi lại cuộc giao ban đầu ngày để có mặt chấn chỉnh trình trạng chen lấn ở đây.
Gần 8 giờ sáng, các phụ huynh nhận được thông báo từ cán bộ CDC tỉnh rằng tạm dừng đăng ký vì hết vắc xin nên rất hoang mang; có người tỏ ra bức xúc. Chị Ma Thị H. vượt hơn 200 cây số từ Bố Trạch (Quảng Bình) có mặt từ sáng sớm để đăng ký lịch tiêm vắc xin cho con tỏ ra thất vọng. Hỏi vì sao không đưa cháu tiêm phòng theo chương trình mở rộng ở trạm y tế vừa gần nhà, thì nhận câu trả lời ngắn gọn: "Em nghe tiêm vắc xin tại TYT nhiều cháu bị biến chứng đau sốt kéo dài nên lo sợ. Tốn một ít tiền nhưng tiêm vắc xin dịch vụ yên tâm hơn".
PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn, Phó Giám đốc Phụ trách CDC tỉnh cho biết, vắc xin dịch vụ hiện rất khan trên thị trường. Hiện tại, đơn vị chỉ nhập về được 1.100 liều nhưng rà soát nắm bắt nhu cầu của các phụ huynh rất lớn. Vì vậy khi triển khai tiêm chủng, đơn vị đã xây dựng kế hoạch từ đăng ký đến rà soát đối tượng có nhu cầu rất cụ thể qua website ở CDC tỉnh. Tiêm dịch vụ nên không có trường hợp ưu tiên. Do số người đến đăng ký hôm nay vượt gấp 3- 4 lần so với lượng vắc xin hiện có nên diễn ra cảnh đông đúc, xáo trộn. PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn chia sẻ: "Tình trạng này chúng tôi đã lường trước nhưng cầu đã vượt quá cung nên không có phương án nào tốt hơn".
Vậy tại sao chúng ta không triển khai đăng ký qua hệ thống trực tuyến, qua số điện thoại hoặc các kênh khác nhằm giảm tải số lượng người quá đông ở hiện trạng trên? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Sơn cho hay, khi đăng ký trực tuyến sẽ tạo ra số ảo vì 1 trẻ có thể có 4-5 người đăng ký. Hơn nữa, không đảm bảo đủ với số đăng ký lớn. Tuy nhiên chiều ngày 8/5, CDC tỉnh đã họp với Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế để bàn phương án đăng ký việc tiêm phòng vắc xin dịch vụ có hiệu quả trong trong thời gian tới.
So với lượng người đến chờ đợi, số phụ huynh may mắn đăng ký được lịch tiêm vắc xin dịch vụ cho con rất ít
Vắc xin dịch vụ không phải là số 1
Hiện nay, có hai loại vắc xin dịch vụ là 5 trong 1 Pentaxim của Pháp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib; vắc xin 6 trong 1 Infarix nhập từ Bỉ phòng các bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib) đang khan thiếu do nguồn cung nhập từ nước ngoài bị hụt. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại Thừa Thiên Huế.
Trao đổi tình trạng thiếu hụt vắc xin dịch vụ hiện nay, theo lãnh đạo ngành y tế tỉnh, do tâm lý chung, các bậc phụ huynh suy nghĩ vắc xin dịch vụ tốt vì phải trả tiền; hơn nữa, thời gian vừa qua một số trường hợp trẻ ở các tỉnh, thành khác bị tai biến sau khi tiêm vắc xin mới ComBe Five tại chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) nên nhiều phụ huynh lo ngại. Sự quan ngại ấy khiến tỷ lệ tiêm chủng vắc xin dịch vụ ngày càng tăng. Những năm trước, tỷ lệ đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ trên địa bàn chỉ 5%, nhưng hiện đã tăng lên 50%, chưa kể trường hợp đến từ ngoại tỉnh. Trong khi đó nhu cầu nhập vắc xin dịch vụ nhập từ Trung ương về địa phương rất hạn chế. Đây là câu chuyện thực tế "dù có tiền vẫn không mua được nhiều".
Trước khó khăn bất cập trên, hiện nay, CDC tỉnh đề xuất lãnh đạo ngành, Bộ Y tế sớm có cơ chế chính sách nhập vắc xin dịch vụ về dồi dào hơn để đáp ứng nhu cầu cho người dân hiện nay. Dự kiến trong tháng 6 tới, CDC tỉnh sẽ tổ chức đăng ký tiêm phòng vắc xin dịch vụ cho các phụ huynh khoảng 1.300 liều.
Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn, không nhất thiết chọn lựa vắc xin dịch vụ tiêm phòng cho trẻ. Suy nghĩ như thế là sai lầm. "TCMR là chương trình nhân văn do Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho người dân. Điều quan trọng là quy trình khi tiêm chủng phải đúng liều, đúng thời điểm và đúng quy định, sẽ phòng ngừa tốt dịch bệnh. Vấn đề này ở tỉnh Thừa Thiên Huế lâu nay đã khẳng định uy tín, thương hiệu của cả nước đạt tỷ lệ cao về chương trình TCMR nên các phụ huynh yên tâm, không phải lo ngại". PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn nói.
Bài, ảnh: Minh Trường