ClockThứ Năm, 09/03/2023 13:00

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt: Nhiều tiện ích, cần truyền thông

TTH - Thanh toán viện phí trực tuyến giảm được thời gian, an toàn và phù hợp trong thời đại số. Song để người dân chủ động và linh hoạt khi sử dụng phương thức này cần cả quá trình…
leftcenterrightdel

 Thanh toán trực tuyến tại Bệnh viện Trung ương Huế

Nhanh, gọn

Sau khi khám tổng quát, được chỉ định phải nội soi mũi, ông Phan Văn Dũng (Quảng Bình) thực hiện thanh toán quét QR pay để nộp phí ngay tại chỗ. Sau vài phút, ông tiến vào thực hiện thủ thuật chẩn đoán hình ảnh. Ông Dũng nhận xét: “Dùng cách này nhanh, khỏe, tiện lợi cực kỳ thay vì phải chạy từ tầng 4 xuống tầng 1 như trước đây. Tôi đã quen với cách thức thanh toán này nên không ngại và lúng túng gì cả”.

Ông Dũng là một trong rất nhiều bệnh nhân hài lòng với phương thức thanh toán trực tuyến khi khám chữa bệnh. Năm 2018, Bệnh viện (BV) Trường đại học Y - Dược, ĐH Huế áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt thông qua hình thức thẻ khám bệnh và ứng dụng QR pay. Với gần 1.000 lượt sử dụng năm đầu tiên, đến nay con số này tăng gần 300% sau 4 năm triển khai.

Theo đánh giá chung, việc triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại BV Trường đại học Y - Dược tiết giảm thời gian cho bệnh nhân, người nhà và cán bộ bệnh viện. TTKDTM tăng độ chính xác, đảm bảo an toàn, giám sai sót trong kiểm đếm, hạn chế tình trạng đánh rơi, trộm cắp. Việc triển khai, TTKDTM góp phần tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và định hướng phát triển của Chính phủ.

leftcenterrightdel

Thanh toán không dùng tiền mặt mọi lúc mọi nơi ở Bệnh viện Trường đại học Y Dược, đại học Huế

Không phải xếp hàng chờ đợi, anh Phan Văn Diện, một bệnh nhân Quảng Nam dùng điện thoại thanh toán toàn bộ viện phí sau quá trình điều trị tại Khoa Tiết niệu Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế. Theo anh Diện, TTKDTM được triển khai trên nhiều lĩnh vực và khá phổ biến. “Triển khai trong lĩnh vực y tế mang lại nhiều tiện ích nên tôi rất ủng hộ”, anh Diện nói.

Tháng 10/2022, Bệnh viện Trung ương Huế ra mắt các phương thức TTKDTM như: QR code, BILLINGS và EDC controller tại Cơ sở 2 trực thuộc đơn vị. Trước đó, cuối năm 2020, Bệnh viện phối hợp với Vietcombank chi nhánh Huế áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt EDC controller, QR code và BILLINGS tại Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 1) và Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế. Ngoài phương thức thanh toán trên, Bệnh viện còn triển khai các phương thức khác, như: quét mã QR Code offline, thanh toán qua máy chấp nhận thẻ POS tại các quầy thu ngân…

Thanh toán trực tuyến đã “phủ sóng” cả 3 cơ sở khám chữa bệnh của Bệnh viện Trung ương Huế. Theo GS.TS.BS. Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, việc thanh toán được thực hiện thuận tiện, tiết kiệm nguồn nhân lực, giảm thiểu rủi ro liên quan đến quản lý tiền mặt. Lợi ích rõ nhất chính là người bệnh và người nhà chủ động trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh mọi lúc, mọi nơi, từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế trong thời gian đến.

Cần sự vào cuộc nhiều bên

Tính đến thời điểm này, 15/19 bệnh viện tuyến huyện, tỉnh trực thuộc Sở Y tế triển khai thanh toán bằng ví điện tử trên Hue-S. Người dân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế này có thể sử dụng ví điện tử trên Hue-S thanh toán viện phí, chi phí khám chữa bệnh.

Trước đó, tháng 2/2023, Sở Y tế tổ chức tập huấn trực tiếp và trực tuyến “Triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt” cho lãnh đạo và chuyên viên các phòng của Sở Y tế; lãnh đạo, bộ phận kế toán, cán bộ công nghệ thông tin của trung tâm y tế 9 huyện/thị xã/thành phố, 9 BV Đa khoa/Chuyên khoa tuyến tỉnh, Phòng Bảo vệ sức khỏe cán bộ và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Sẵn sàng máy móc, nhân lực đưa vào vận hành hình thức thanh toán ví điện tử Hue-S khá sớm, Trung tâm Y tế huyện A Lưới đã đặt bảng hướng dẫn, thông báo ngay tại bộ phận tiếp đón bệnh nhân. BSCKII. Hồ Bách Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho rằng, với người dân vùng cao, cần phải truyền thông liên tục để người dân quen với phương thức thanh toán này. Đây là cả một quá trình và "mưa dầm mới thấm lâu".

ThS. Nguyễn Đào, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế cho hay, mô hình của ngành y tế thống nhất sử dụng ví điện tử Hue-S. Khi người dân đi khám, chuyển viện chỉ cần  dùng 1 app này. Trong tháng 3/2023, các đơn vị sẽ áp dụng mã QR Code động giúp việc thanh toán thuận tiện hơn. “Người dân mới là chủ thể chính, việc cài đặt và tăng tương tác cần sự vào cuộc của Sở Thông tin - Truyền thông và chính quyền các địa phương”, ThS. Nguyễn Đào nhấn mạnh.

Trong buổi làm việc với các đơn vị hỗ trợ cung cấp dịch vụ và các đơn vị y tế trực thuộc mới đây, PGS.TS.BS. Trần Kiêm Hảo - Giám đốc Sở Y tế đề nghị, các đơn vị khẩn trương tập trung triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong thu các phí khám, thanh toán viện phí. Phải đảm bảo các điều kiện để triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt như: hạ tầng kết nối, hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện, nhân lực triển khai. Có bộ phận hỗ trợ người dân khi thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Có tài liệu truyền thông, sơ đồ, quy trình hướng dẫn người dân triển khai thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

Giám đốc Sở Y tế mong Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh của tỉnh, Trung tâm Thanh toán trực tuyến của nhà Viễn thông FPT và Hội Phản ứng nhanh PUN 75 tỉnh tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, nhân lực và công tác truyền thông để người dân biết lợi ích, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt để sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Bài, ảnh: L.TUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị Da liễu Quốc tế:
Kinh nghiệm, công nghệ và xu thế​

Hội nghị Da liễu Quốc tế từ 21 đến 23/11 do Bệnh viện Da liễu Trung ương, Sở Y tế, Bệnh viện Da liễu tỉnh phối hợp tổ chức thu hút nhiều chuyên gia trong, ngoài nước. Hàng trăm bài báo cáo được chia sẻ mang đến cái nhìn về phương pháp, kinh nghiệm, công nghệ… trong điều trị các bệnh về da. ​

Kinh nghiệm, công nghệ và xu thế​
1.500 đại biểu tham dự hội nghị da liễu Quốc tế

Tối 21/11, hội nghị Da liễu Quốc tế diễn ra phiên khai mạc chính thức. Hội nghị do Bệnh viện Da liễu Trung ương, Sở Y tế, Bệnh viện Da liễu tỉnh phối hợp tổ chức. Sự kiện quy tụ hơn 1.500 đại biểu trong, ngoài nước là các giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực da liễu, thẩm mỹ.

1 500 đại biểu tham dự hội nghị da liễu Quốc tế

TIN MỚI

Return to top