Cán bộ Trạm Y tế Thủy Dương tư vấn, phòng ngừa căn bệnh HIV cho các bà mẹ mang thai ở địa phương
Đẩy mạnh tuyên truyền
Nằm ở cửa ngõ phía nam TP. Huế, dân cư đông, có nhiều khách vãng lai đến lưu trú, kinh doanh nên Thủy Dương là địa bàn "nhạy cảm" với căn bệnh HIV/AIDS. Thế nhưng mấy năm nay, nơi đây hầu như nói không với "H". Thành quả ấy bắt đầu từ việc chung sức, đồng lòng từ chính quyền đến người dân.
Việc làm đầu tiên của phường Thủy Dương là đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân. Công tác truyền thông với nhiều hình thức; đặc biệt thông qua các buổi họp, sinh hoạt ở tổ dân phố, đoàn thể đã lồng ghép truyền thông... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, người dân trên địa bàn tiếp cận được nhiều thông tin, nguy cơ, tác hại HIV/AIDS. Bên cạnh đó, hàng năm từng ban ngành, đoàn thể còn ký cam kết với chính quyền làm nòng cốt để đấu tranh phòng ngừa, phối hợp xử lý các tệ nạn xã hội; đẩy mạnh cuộc vận động phong trào "Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư", xây dựng phường lành mạnh nói không với HIV. Điển hình như Đoàn Thanh niên phường xây dựng mô hình "Tiền hôn nhân" với 60 thành viên, duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Thông qua các buổi sinh hoạt này, Đoàn Thanh niên phối hợp lồng ghép truyền thông phòng chống HIV trên địa bàn; đồng thời triển khai chiến dịch truyền thông giúp thanh, thiếu niên địa phương nhận thức đầy đủ về phòng chống HIV. Hội Phụ nữ, ngoài công tác giúp nhau phát triển kinh tế gia đình còn hưởng ứng tích cực trong phong trào "Khu dân cư lành mạnh nói không với HIV"...
Số liệu thống kê sơ bộ, trên địa bàn có hơn 30 khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ cắt tóc nam nữ... Đây là những địa chỉ "nhạy cảm" mà chính quyền sở tại phân công trách nhiệm từng ban, ngành chức năng không chỉ quản lý mà còn giám sát tình hình hoạt động để báo cáo kịp thời khi có vụ việc xảy ra. Với đối tượng nằm trong nhóm nghề có nguy cơ cao, lãnh đạo địa phương triển khai chương trình phối, kết hợp truyền thông, nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh HIV. Công việc này triển khai đều đặn hàng tháng, tạo hiệu ứng cao bởi có đồng đẳng viên "quen nghề" phụ trách địa bàn được hỗ trợ từ tuyến trên.
Chú trọng tư vấn, xét nghiệm
Ngoài công tác truyền thông, công tác tư vấn, xét nghiệm phòng chống HIV được Thủy Dương chú trọng. Hoạt động diễn ra thuận lợi bởi Trạm Y tế Thủy Dương hiện nay là địa chỉ uy tín, mỗi ngày thu hút không dưới 100 lượt bệnh. Thông qua việc khám, điều trị, cán bộ y tế dành thời gian tư vấn, cách phòng ngừa HIV trong cộng đồng và hỗ trợ bệnh nhân các thông tin trong quá trình xét nghiệm HIV tự nguyện.
Hiện tại, Thủy Dương có hơn 3.000 phụ nữ từ 15-49 tuổi; trong đó, bình quân mỗi năm có khoảng 90 bà mẹ mang thai (BMMT) và có con dưới một tuổi trên địa bàn được tư vấn, cách phòng ngừa HIV thông qua dịp khám sức khỏe định kỳ. Trong tháng cao điểm Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, tất cả các BMMT đều đến trạm tham gia tư vấn và tiến hành các xét nghiệm sớm HIV. Việc tư vấn, xét nghiệm cho các BMMT để hoàn toàn chủ động sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh... Tại trạm, các hoạt động chuyên môn về y tế trong phòng chống HIV thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đúng quy định, như sử dụng bơm kim tiêm một lần cho trẻ em trong tiêm chủng mở rộng, thực hiện vô khuẩn an toàn trong công tác trong khám chữa bệnh… bảo đảm an toàn cho thầy thuốc và bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Phượng, Trưởng trạm Y tế phường Thủy Dương chia sẻ: Những hoạt động trên thực sự đã mang lại niềm vui cho phường Thủy Dương, một địa bàn "nhạy cảm" nhưng hiện chỉ có 2 trường hợp mắc HIV. Đây là một con số thành công bằng sự nỗ lực của chính quyền, các ban ngành đoàn thể và người dân. Những trường hợp mắc HIV đang ở địa phương được cán bộ Trạm Y tế phường luôn gần gũi quan tâm, tư vấn giúp họ phòng điều trị bằng thuốc ARV, có sức khỏe, hoà nhập tốt với cộng đồng. Thành quả này, hy vọng trong thời gian đến Thủy Dương sẽ "nói không" với HIV/AIDS.
Bài, ảnh: Minh Văn