ClockThứ Sáu, 19/03/2021 16:07

Triển khai chủ trương 'hộ chiếu vaccine' trên tinh thần bảo đảm an toàn trên hết

Sáng 19/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp về “hộ chiếu vaccine COVID-19”.

Vietnam Airlines sẵn sàng thử nghiệm “hộ chiếu vaccine”Nghiên cứu “hộ chiếu vaccine”, mở lại đường bay quốc tếAnh sẽ hỗ trợ kế hoạch xây dựng hộ chiếu vaccine toàn cầu

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chủ trì cuộc họp

Giải pháp “hộ chiếu vaccine COVID-19”

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lưu Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm giải pháp Y tế, Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, Viettel đang kết hợp chặt chẽ Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, thực hiện việc rà soát và triển khai giải pháp “hộ chiếu vaccine COVID-19”.

Theo đó, “hộ chiếu vaccine COVID-19” cho phép người dân theo dõi lịch sử tiêm chủng của bản thân hoặc các thành viên trong gia đình qua các lần tiêm; sau khi tiêm được cấp chứng nhận tiêm và mã QR-Code xác nhận. Cùng với đó, nhân viên ngành Y tế có thể cập nhật kết quả tiêm chủng cho người dân thuộc diện tiêm chủng lên hệ thống phần mềm. Cơ quan quản lý nắm bắt thông tin, số liệu để phục vụ việc triển khai chương trình tiêm vaccine COVID-19 và cung cấp công cụ giám sát thông tin người đã tiêm vaccine COVID-19.

Đối với yêu cầu chung khi triển khai “hộ chiếu vaccine COVID-19”, ông Lưu Thế Anh cho biết, người dân khi đến tiêm cần mang theo chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế để xác thực thông tin người đi tiêm. Thông tin người dân đến tiêm thu thập từ 2 nguồn: Do cơ sở y tế lập danh sách đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ; do người dân đến trực tiếp cơ sở y tế để cung cấp thông tin. Trước khi thực hiện tiêm, bác sĩ ở bộ phận tiếp đón thực hiện chụp ảnh người được tiêm để lưu lại trên hệ thống (nếu cần); thông tin người dân chính thức được xác thực từ cơ sở y tế và lưu trữ vào công nghệ chuỗi - khối (Blockchain) khi thực hiện mũi tiêm đầu tiên. Giải pháp được triển khai trên trang website phục vụ công tác tiêm và tra cứu thông tin; ứng dụng trên di động cho người dân và bác sĩ.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ góc độ tiếp cận của ngành Y tế, “hộ chiếu vaccine” thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch Y tế quốc tế, cho phép người có "hộ chiếu vaccine" không phải cách ly, xét nghiệm COVID-19 (một số nước vẫn yêu cầu xét nghiệm COVID-19). Hiện Việt Nam đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận “hộ chiếu vaccine” thông qua mã QR-code.

Cách thức này dựa vào 2 dữ liệu cơ bản: Số thẻ Bảo hiểm y tế hoặc chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân. Khi đến, người dân cung cấp thông tin cá nhân để được kiểm tra trên hệ thống xác nhận. Sau khi tiêm đủ 2 mũi, hệ thống thông tin sẽ được cập nhật lên mã QR-code, xác thực cho người dân. Khi đi ra nước ngoài, người dân được quét mã QR-code, truy cập vào đúng nguồn dữ liệu, xác thực thông tin các mũi tiêm của người dân.

“Tới đây, khi đi tiêm chủng, người dân phải tải ứng dụng hồ sơ điện tử trên hệ thống của Apple Store hoặc Google Play, khai báo lại thông tin cần thiết. Cơ sở y tế quét mã QR-code thay vì thực hiện thao tác trên giấy; thông tin cho người dân về vaccine, điều khoản tiêm chủng… Sau đó, người dân được khám sàng lọc, tiêm, theo dõi sau tiêm và hoàn thành quy trình tiêm”, Bộ trưởng nêu rõ, đồng thời đề xuất lồng ghép thông tin của hồ sơ sức khỏe, thẻ bảo hiểm y tế của người dân vào thẻ căn cước công dân (do ngành Công an quản lý), đảm bảo tính xác thực cao hơn.

Hiện nay Bộ Y tế và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đang thí điểm tại các điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhằm đánh giá năng lực, tính tương thích của các cơ sở.

Tạo điều kiện giao thương trong bối cảnh có dịch

Liên quan đến tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong nước, theo số liệu của Chương trình Tiêm chủng quốc gia, tính đến 16 giờ ngày 18/3/2021, Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine AstraZeneca cho 27.546 người. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Các điểm tiêm chủng đều tuân thủ quy định của Bộ Y tế về đảm bảo an toàn tiêm chủng. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm ở mức cho phép theo khuyến cáo của nhà sản xuất vaccine. Một số trường hợp phản vệ độ 2 được phát hiện, xử lý kịp thời theo đúng quy định của Bộ Y tế; hiện sức khỏe đều đã bình phục”.

Tại tỉnh Hải Dương, 12 ngày gần đây chỉ còn 4/12 huyện, thành phố (thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh, huyện Kim Thành và huyện Cẩm Giàng) ghi nhận rải rác 1-2 ca mắc mới/ngày, đều là các trường hợp đã được cách ly từ trước. Cùng với đó, Bộ Y tế đang rà soát, rút kinh nghiệm việc thực hiện cách ly tập trung của tỉnh Hải Dương trong thời gian qua; đồng thời, chỉ đạo tỉnh lưu ý nâng cao chất lượng xét nghiệm.

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng thảo luận về công tác chuẩn bị các giải pháp chính sách, kỹ thuật để thực hiện chủ trương “hộ chiếu vaccine” trên tinh thần “bảo đảm an toàn trên hết”. Việc quản lý hệ thống hồ sơ sức khỏe của người dân tích hợp thông tin tiêm chủng, liên thông với cơ sở dữ liệu công dân thống nhất, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiêm chủng mà còn kiểm soát việc đi lại, di chuyển trong bối cảnh có dịch bệnh.

Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đại diện các bộ, ngành, nhà mạng thông tin, hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được hoàn thiện và sẵn sàng từ tháng 4/2021. Về chính sách cụ thể, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các cơ quan y tế nước ngoài để sớm tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện cho giao thương, đi lại thuận lợi cho người dân các nước đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 11 giờ ngày 19/3, thế giới ghi nhận gần 122 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,69 triệu ca tử vong tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai các giải pháp góp phần thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn

Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024. Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ đã và đang thực hiện 5 giải pháp để góp phần thực hiện thành công Chiến lược này.

Triển khai các giải pháp góp phần thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn
Triển khai giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án 07

Chiều 17/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 07-ĐA/TU, ngày 1/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát (KTGS), thi hành kỷ luật Đảng trong Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2026 (Đề án 07).

Triển khai giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án 07
Ghép tế bào gốc đồng loại: Mang lại cuộc sống mới cho bệnh nhi

Từ cảnh phải truyền máu mỗi tháng, hai bệnh nhi ở TP. Đà Nẵng có cơ hội hòa nhập cuộc sống bình thường nhờ ghép tế bào gốc đồng loại. Lần đầu tiên ở miền Trung-Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba trên toàn quốc triển khai kỹ thuật phức tạp này, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế mở ra hướng điều trị cho trẻ bị suy tủy, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, ung thư tái phát…

Ghép tế bào gốc đồng loại Mang lại cuộc sống mới cho bệnh nhi

TIN MỚI

Return to top