Lấy mẫu xét nghiệm người dân sinh sống trong các khu phố đã phát hiện người dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Đà Nẵng, ảnh chụp tháng 8/2020
Cho đến cuối năm 2020, châu Âu, châu Mỹ và nhiều khu vực khác vẫn “lao đao” vì dịch COVID-19 khi số người mắc và tử vong không ngừng tăng cao. Trong bối cảnh toàn cầu đang vất vả ứng phó với dịch, Việt Nam trở thành điểm sáng do kiểm soát thành công dịch bệnh trên nhiều phương diện, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, duy trì ổn định phát triển kinh tế - xã hội.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc ngăn chặn, dập dịch
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch COVID-19 tại Việt Nam chia làm 2 giai đoạn và 4 đợt dịch. Giai đoạn đầu từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 23/1/2020. Sau đó là các ca trở về từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc); người nhập cảnh vào Việt Nam, trở về từ các khu vực, quốc gia đang có dịch.
Giai đoạn 2 được ghi nhận từ cuối tháng 7/2020 đến nay với các trường hợp mắc mới tại thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố. Đến 18 giờ ngày 24/12, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.433 ca mắc COVID-19, trong đó 693 ca lây nhiễm trong nước; từ ngày 25/7 đến nay có 553 ca mắc mới. Trong khi đó thế giới ghi nhận hơn 79,1 triệu người mắc và hơn 1,73 triệu người tử vong vì COVID-19.
Qua 4 đợt dịch, Việt Nam đã trải qua thời gian ứng phó với tình huống dịch lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là tại Đà Nẵng cuối tháng 7/2020 với chùm ca bệnh lây lan rất phức tạp trong bệnh viện rồi tỏa đi một số địa phương khác. Nhưng dù ở hoàn cảnh, giai đoạn nào, các cấp, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương và người dân cũng nhanh chóng vào cuộc, triển khai sớm, chủ động và đặc biệt là kiên định biện pháp chống dịch xuyên suốt "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch" và nguyên tắc 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các lực lượng quân đội, công an, y tế liên minh hình thành các khu cách ly tập trung, kiểm soát chặt các đường mòn, lối mở khu vực biên giới, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ", đảm bảo phát hiện kịp thời các ca bệnh, khoanh vùng, cách ly dập dịch ngay. Chính phủ đã chấp nhận thiệt hại một phần về kinh tế để đổi lấy an toàn về sức khỏe, tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch bệnh.
Điều đáng nói là công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhận được sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của người dân cả nước. Có rất nhiều thôn làng, khu phố, khu nhà ở, khi phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 thì người dân đều tự giác tuân thủ, thực hiện nghiêm cách ly trong 14 ngày nhằm “cô lập” nguồn bệnh, hạn chế lây lan ra cộng đồng. Trong thời gian cách ly xã hội diện rộng để phong tỏa dịch, đa phần người dân nghiêm túc chấp hành việc hạn chế đi ra khỏi nhà. Đặc biệt, để thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, người dân Việt Nam cũng dần quen với việc thực hành thông điệp 5K: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách an toàn khi đến nơi đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng, trường học…; cài đặt các ứng dụng phát hiện, cảnh báo nếu có tiếp xúc với các nguồn lây.
Do đã tạo được “phản xạ” ứng phó cần thiết sau cho người dân nên khi xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương… vào tháng 7/2020 hay Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 11/2020, cộng đồng đã rất chủ động ứng phó, không còn xuất hiện tình trạng hoảng loạn, sợ hãi đi “vét” lương thực, thực phẩm, khẩu trang, thuốc men như khi xuất hiện ca bệnh số 17. Chính quyền, lực lượng chức năng, nhất là y tế các địa phương đã triển khai bài bản hoạt động ngăn chặn, khoanh vùng, kiểm soát dịch, đảm bảo duy trì các hoạt động kinh tế, các hoạt động trong xã hội vẫn được đảm bảo ổn định…
Cho đến nay, Việt Nam có 35 trường hợp tử vong do COVID-19, đều là các ca bệnh có bệnh lý nền nghiêm trọng. Nếu tính số ca mắc trên tổng số dân và số ca tử vong trên tổng số người nhiễm, Việt Nam được đánh giá là quốc gia kiểm soát dịch thành công. Các ổ dịch trong nước đã được kiểm soát, không ghi nhận ca mắc lây nhiễm trong cộng đồng mà chỉ có các ca nhập cảnh, được cách ly ngay. Cả nước đang tiếp tục khẩn trương thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Kết quả cuộc điều tra xã hội học, tìm hiểu dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện, cho thấy, có đến 97% người dân được hỏi đều thể hiện sự tin tưởng đối với các biện pháp của Đảng, Nhà nước trong phòng chống COVID-19.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, thắng lợi này là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống và toàn thể người dân Việt Nam với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng khi đất nước gặp khó khăn…
Điều trị thành công nhiều ca bệnh “siêu khó”
Đa phần các ca bệnh COVID-19 ở Việt Nam đều được điều trị khỏi bệnh Số ca tử vong chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là nơi điều trị cho nhiều bệnh nhân COVID-19 nhất cả nước, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng, bệnh lý nền phức tạp.
Trong đợt dịch thứ nhất và thứ hai xuất hiện một số bệnh nhân COVID-19 nặng, thậm chí rơi vào cảnh “thập tử nhất sinh” nhưng đều được các bác sỹ giành lại sự sống từ tay tử thần. Trong đó nặng nhất phải kể đến bệnh nhân số 91 và 19.
Bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh, đã trải qua số ngày điều trị kỷ lục lên tới 116 ngày (65 ngày chữa COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh; 51 ngày hồi sức tích cực, phục hồi chức năng tại Bệnh viện Chợ Rẫy).
Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân 91 là một ca bệnh rất đặc biệt, mắc COVID-19 với diễn biến trở nặng rất nhanh và phức tạp, chưa từng có trong y văn thế giới. Khi mới nhập viện, bệnh nhân vẫn tỉnh táo. Vài ngày sau suy hô hấp tăng dần, được hỗ trợ hô hấp thở oxy mũi, sau đó thở oxy qua mặt nạ, thở máy xâm lấn và can thiệp ECMO ngay tại phòng cách ly áp lực âm...
Bệnh nhân trải qua nhiều giai đoạn nguy kịch, đã có lúc 2 phổi đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động... Để có phác đồ tốt nhất cho bệnh nhân, ngoài Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, còn phải kể đến sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế hàng đầu Việt Nam. ngày 11/7, bệnh nhân 91 trong tình trạng sức khỏe ổn định đã được xuất viện, trở về quê hương.
Bệnh nhân 19 (bác gái của bệnh nhân 17 là ca bệnh đầu tiên tại Hà Nội) cũng là một ca COVID-19 nặng với 87 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Dù đã 3 lần ngưng tim, lần ngưng tim lâu nhất lên đến 40 phút, nhiều lần rơi vào tình trạng nguy kịch nhưng các bác sĩ đã kịp thời cứu sống. Bệnh nhân được duy trì sự sống bằng ECMO suốt 17 ngày, lọc máu liên tục…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đã có nhiều sáng kiến, giải pháp khoa học, hiện đại, tiếp cận với kinh nghiệm tiên tiến trên thế giới, nỗ lực cao nhất để cứu chữa người bệnh. Rất nhiều sáng kiến đã được áp dụng, tiêu biểu là thành lập Trung tâm hỗ trợ chẩn đoán chuyên môn điều trị COVID-19, thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh, xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19... Những việc này đã góp phần tạo nên thành công của công tác điều trị ca bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Điều này thể hiện bằng tỷ lệ điều trị khỏi cao (tới 96,4%) gồm cả các ca bệnh nặng, có bệnh nền phức tạp; khống chế tối đa tỷ lệ tử vong và hạn chế được lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu Ban Điều trị, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ chẩn đoán chuyên môn điều trị COVID-19, cho rằng một trong những yếu tố quan trọng, góp phần vào thành công trong điều trị COVID-19 của nước ta là việc phân tuyến điều trị hợp lý với 4 tuyến điều trị theo mức độ diễn biến của người bệnh gồm tuyến xã, huyện, tỉnh và tuyến trung ương.
Ngành y tế cũng thường xuyên cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị theo khuyến cáo của Tổ chức Tế thế giới (WHO) và kinh nghiệm điều trị của các nước trên thế giới; 4 lần cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị; xem xét các phương pháp điều trị như sử dụng thuốc kháng virus, thuốc chống sốt rét; sử dụng huyết tương thay thế…
Đặc biệt , Việt Nam đã mở rộng công tác xét nghiệm. Từ chỗ chỉ có 3 đơn vị được xét nghiệm SARS-CoV-2, hiện đã có hơn 50 cơ sở đủ năng lực, giúp các bệnh viện chủ động trong công tác xét nghiệm, giảm thời gian chờ đợi cũng như giảm tải cho hệ thống y tế dự phòng trong xét nghiệm các đối tượng nguy cơ...
Vaccine COVID-19 “made in Việt Nam”
Bên cạnh những dấu ấn trong công tác phòng bệnh, điều trị của ngành y tế, Việt Nam đã nhanh chóng thành công trong việc phân lập chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2) từ tháng 2/2020, trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới nuôi cấy thành công virus này. Cùng với đó là việc nghiên cứu, chế tạo thành công bộ kit xét nghiệm; nhiều loại sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm SARS-CoV-2...
Đặc biệt, Bộ Y tế đã chỉ đạo các nhà sản xuất trong nước tăng cường các hoạt động nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh, thuốc điều trị COVID-19. Có 4 nhà sản xuất vaccine COVID-19 tại Việt Nam: Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC); Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN. Các đơn vị này đã tập trung nguồn lực nghiên cứu, thử nghiệm vaccine phòng COVID 19.
Đến cuối tháng 12/2020, Công ty NANOGEN đã đi đến bước thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người với vaccine Nano Covax. Đây cũng là vaccine đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thiện quy trình nghiên cứu và đạt hiệu quả cao trong thử nghiệm, hứa hẹn sẽ là vaccine phòng COVID-19 “made in Vietnam" đầu tiên đưa ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian sớm nhất...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định: Vaccine thành công không chỉ là niềm tự hào của giới khoa học, của ngành y tế Việt Nam mà đây thực sự là công cụ chống dịch COVID-19 hữu hiệu. Nhưng khi chưa có vaccine, việc cần làm là tiếp tục chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch như đã làm từ trước đến nay.
Ngày 17/12, những tình nguyện viên đầu tiên đã tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax. Ba người tiêm đầu tiên gồm 2 nữ, 1 nam, trong đó có 2 người mới 20 tuổi (đều là sinh viên), một nữ tình nguyện viên 40 tuổi là giáo viên ở Hà Nội. Các tình nguyện viên được tiêm vaccine Nano Covax, liều 25mcg. Sau thời gian theo dõi, sức khoẻ của 3 tình nguyện viên đều hoàn toàn bình thường, tinh thần thoải mái, không có phản ứng bất thường nào và đã được về nhà tự theo dõi sức khoẻ dưới sự kiểm soát của nhân viên y tế.
Ngày 22/12, Học viện Quân y tiếp tục triển khai tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax cho 17 tình nguyện viên tiếp theo với liều 25 mcg. Nếu thử nghiệm lâm sàng diễn ra thuận lợi, có thể ngay đầu tháng 5/2021sản phẩm sẽ được hoàn tất, sau đó Công ty NANOGEN sẽ đi vào sản xuất hàng loạt với công suất khoảng 30 triệu liều/năm. Để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ước tính trên 70% dân số phải tiêm vaccine phòng bệnh. Hiện nay, các vaccine phòng COVID-19 đang nghiên cứu dành cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, ước khoảng 75 triệu người, tương ứng với khoảng 150 triệu liều.
Theo TTXVN