Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, để đảm bảo tiêm đủ cho toàn bộ dân số Việt Nam thì phải có khoảng 100 triệu liều vaccine. Hiện nay, Bộ Y tế đã đàm phán với một số đơn vị và đã có cam kết theo Chương trình COVAX facility cung cấp khoảng 30 triệu liều vaccine trong năm 2021, chủ yếu sử dụng trong 6 tháng cuối năm. Bộ Y tế cũng đã có cam kết với công ty AstraZeneca cung cấp 30 triệu liều.
“Như vậy, trong năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 60 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Hiện, Bộ Y tế cũng đang tích cực đàm phán với các công ty khác như công ty Pfizer (Mỹ), Moderna (Mỹ)... để đảm bảo vaccine cho toàn bộ người dân. Trước mắt, vaccine sẽ ưu tiên cho những khu vực có dịch và những khu vực có nguy cơ cao”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đã thực hiện cơ chế cấp phép vaccine trong điều kiện khẩn cấp. Theo đó, chỉ trong thời gian 5 ngày, Bộ Y tế sẽ thực hiện tất cả các quy trình, từ hồ sơ cũng như các dữ liệu về lâm sàng, chất lượng vaccine để sớm đưa vaccine tới người dân.
Bộ Y tế cũng khuyến khích các doanh nghiệp nếu có nguồn vaccine nhập khẩu, có thể phối hợp với Bộ Y tế để đưa vaccine về Việt Nam. “Cố gắng trong năm 2021, mọi người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận với vaccine”, Bộ trưởng cho biết.
Trước đó, theo văn bản số 1215/QLD-KD về việc nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng chống dịch COVID-19, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã chấp thuận cho công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca, số lượng 204.000 liều. Nhà sản xuất là SK Bioscience Co Limited, Hàn Quốc.
Theo quyết định này, vaccine được nhập khẩu để sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch, phải đáp ứng các điều kiện đi kèm trong văn bản chấp thuận phê duyệt vaccine ngày 1/2 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Vaccine AstraZeneca là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam. Đây là vaccine do công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển. Hiện vaccine này đã được cấp phép lưu hành 1 năm hoặc nhập khẩu có điều kiện tại Philippines, Thái Lan, Anh, Việt Nam và một số quốc gia khác. Dự kiến ngày 28/2, lô vaccine đầu tiên này sẽ về đến Việt Nam.
Tại phiên họp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư ngày 18/2, các thành viên cũng đã cho ý kiến về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cơ bản đồng ý với Tờ trình của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân Việt Nam.
Theo đó, kinh phí mua, vận chuyển, bảo quản, sử dụng chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Việc mua, sử dụng vaccine được thực hiện trong điều kiện khẩn cấp và áp dụng mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật, theo các khuyến cáo của WHO và của nhà sản xuất. Giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tổ chức tốt việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Theo baochinhphu.vn