ClockThứ Hai, 03/10/2022 06:17

Vươn tầm “Trung tâm y tế chuyên sâu” - Bài 1: Gỡ các “nút thắt” cho y tế địa phương

TTH - Mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “trung tâm y tế chuyên sâu” đã không còn là vấn đề mới kể từ khi có Kết luận 48-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2009 của Bộ Chính trị. Với ba trụ cột chính là Bệnh viện Trung ương Huế, Trường đại học Y Dược Huế và hệ thống y tế địa phương, Tỉnh ủy tiếp tục kiên định với mục tiêu về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tập trung xây dựng và nâng cao năng lực thiết chế y tếBàn giao 33 bác sĩ thuộc dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khănKiên định mục tiêu “Trung tâm y tế chuyên sâu”

Trong mục tiêu “Thúc đẩy y tế trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước và khu vực Đông Nam Á”, Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 9/8/2021 của Tỉnh ủy xác định tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống y tế địa phương bảo đảm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Tuy nhiên, hệ thống y tế địa phương vẫn còn nhiều “nút thắt” cần được mở để tăng sức hút về nguồn nhân lực và các nguồn đầu tư.

Khám bệnh cho người khuyết tật ở Trung tâm Y tế huyện Phú Vang

Lo nguồn nhân lực kế cận

Là Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hương Vân (thị xã Hương Trà), nhưng trong những ngày cao điểm tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại nhà cho người dân, bác sĩ Võ Minh Kỳ lại được Trung tâm Y tế Hương Trà tăng cường cho phường Tứ Hạ với nhiệm vụ khám sàng lọc. Tất tả giữa những con phố nơi có các địa chỉ có người đăng ký tiêm, bác sĩ Kỳ chia sẻ: Bác sĩ ở bệnh viện cũng như bác sĩ ở trạm, phải “bao” rất nhiều việc. Trên địa bàn thị xã Hương Trà hiện vẫn còn một vài trạm y tế không có bác sĩ, nên khi có việc, Trung tâm Y tế thị xã điều tăng cường thì cứ theo nhiệm vụ mà làm.

Tự nhận mình là lứa “bác sĩ cộ”, đã cũ và sắp về hưu, bác sĩ Kỳ bày tỏ: Vì mình “cộ” nên còn trụ lại trạm y tế, còn các lứa bác sĩ trẻ thì người ta không mặn mà gì cả. Không có chế độ ưu đãi nào để thu hút họ cả. Mình đây 30 năm làm nghề, đã gần về hưu mà lương cũng chỉ có 9,3 triệu. Mức này là đã bao gồm phụ cấp của ngành đặc thù. Trong khi, nếu là bác sĩ mới ra trường, lương khởi điểm chỉ xấp xỉ 4 triệu, ai trụ lại cho nổi. “Ngồi nhìn (đọc báo) anh em đồng nghiệp các tỉnh nhảy việc tìm cơ hội việc làm khác để cải thiện thu nhập mà nóng ruột. May là Huế đằm hơn, anh em vẫn có thể “ngồi yên được” vì mức sống thấp, vật giá sinh hoạt rẻ. 5 năm nữa lớp chúng tôi về hưu, nếu chính sách không thay đổi thì y tế địa phương rất khó để tuyển được bác sĩ. Tuyển bác sĩ tuyến huyện đã khó, tuyến xã càng khó hơn. Lo lắm!”, bác sĩ Kỳ nén tiếng thở dài.

PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế hỏi thăm người mẹ trẻ sau sinh

Triển khai Nghị quyết 08-NQ/TU, Sở Y tế định hướng phát triển Trung tâm Y tế của TP. Huế, huyện Phú Vang, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy thành 4 trung tâm y tế tuyến huyện trọng điểm, chất lượng. Trong khi Trung tâm Y tế huyện Phú Vang đang có nhiều lợi thế khi được các cấp ủy Đảng, chính quyền thật sự quan tâm, chăm lo sâu sát và thu hút được lực lượng bác sĩ trẻ, thì BSCKII. Trần Quốc Hùng – Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Huế ngậm ngùi: “Chúng tôi muốn làm rất nhiều việc nhưng thực sự lực bất tòng tâm. Sở Y tế đã cố gắng đầu tư cho y tế TP. Huế khá nhiều phương tiện, trang thiết bị y tế nhưng vấn đề là chúng tôi không tuyển dụng được con người để phát huy giá trị của những trang thiết bị đó. Có những bác sĩ trẻ về thăm Bệnh viện TP. Huế, đi một vòng xong về thì “chào tạm biệt” luôn vì cơ sở của bệnh viện không như họ kỳ vọng. Chúng tôi mong muốn được đầu tư cơ sở tốt để làm việc, cũng là điều kiện quan trọng để thu hút nhân lực. Nếu không sẽ “thua ngay trên sân nhà”.

Trung tâm Y tế TP. Huế được thành lập từ năm 1991, trên cơ sở hợp nhất các tổ chức sự nghiệp y tế hiện có của thành phố. Hiện nay, Trung tâm Y tế thành phố Huế quản lý 36 trạm y tế xã/phường, 3 phòng khám đa khoa; có đội ngũ nhân lực và số lượng trạm y tế lớn nhất trong tỉnh. Tuy nhiên, cho đến nay cơ sở vật chất của Trung tâm Y tế TP. Huế vẫn là dáng dấp của một trại nuôi dưỡng trẻ mồ côi của một tổ chức tôn giáo được Nhà nước trưng dụng và đầu tư xây dựng chắp vá. Đây cũng là một trở lực lớn để UBND TP. Huế chi tiền đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm Y tế thành phố, khi đơn vị chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính chủ. Trước những nhiệm vụ, phần việc của Nghị quyết số 08-NQ/TU, BSCKII. Trần Quốc Hùng băn khoăn: “Quan trọng nhất là con người. Nhưng với tình hình hiện nay của Trung tâm Y tế thành phố, chúng tôi lấy nguồn lực từ đâu để thực hiện? Từ năm 2015 đến nay, chúng tôi có hơn 40 bác sĩ nghỉ hưu, nhưng số bác sĩ mới tuyển dụng trở lại thì rất ít, chưa tới 20 người. Chúng tôi không tuyển dụng được người. Nguồn nhân lực đang thiếu một cách trầm trọng và có một khoảng hổng rất lớn về đội ngũ kế cận. Trong khi đây lại là vấn đề quan trọng nhất”.

Khám bệnh cho người khuyết tật ở Trung tâm Y tế huyện Phú Vang

Cần sức hút cụ thể

Tính đến, hệ thống y tế địa phương có 3.230 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Trong đó, có 762 bác sĩ (trình độ sau đại học có 339 người, chiếm 44,5%); dược sĩ có 280 người (trình độ đại học và sau đại học có 109 người, chiếm 39%); điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật y có 1.172 người. Thực hiện lộ trình tinh giản biên chế của Chính phủ, giai đoạn từ năm 2021-2026, ngành y tế phải giảm được ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Trong tình hình hiện nay, khi người mới tuyển chưa đủ nhu cầu mà còn áp lực tinh giản biên chế thì bài toán nguồn nhân lực cho ngành y tế vốn đã khó, lại càng khó hơn. Ông Nguyễn Đắc Ngọc, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ (Sở Y tế) bày tỏ: “Ngành y tế có phần khác với các ngành khác khi dựa trên mật độ dân cư, tình hình bệnh tật, cơ số giường bệnh… để có những nhiệm vụ cụ thể thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Do đó, đề xuất lãnh đạo tỉnh quan tâm thêm về vấn đề này. Bởi lẽ, nếu nguồn nhân lực cứ giảm mãi thì rất khó để ngành y tế đảm bảo thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao”.

Thiếu đội ngũ kế cận và cần có sự hỗ trợ về chính sách để thu hút nguồn nhân lực cho y tế địa phương cũng là những vấn đề khiến BSCKII. Trương Như Sơn – Giám đốc Trung tâm Y tế Phú Vang luôn trăn trở. Trong hệ thống y tế địa phương, Trung tâm Y tế Phú Vang đang là đơn vị tuyến huyện đặc biệt với nhiều “cái nhất”: có đầy đủ khoa, phòng nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đơn vị đầu tiên được UBND tỉnh xếp hạng Bệnh viện hạng II; đơn vị cấp huyện có nhiều bác sĩ nhất và cũng đang là đơn vị cấp huyện duy nhất đủ điều kiện triển khai các hoạt động quan trắc môi trường lao động… Trong lộ trình đến năm 2025 và năm 2030, Phú Vang sẽ phát triển số giường nội trú dự kiến lên đến 300 và 500 giường. Tuy vậy, trong số những bác sĩ đang hợp đồng ở Trung tâm Y tế Phú Vang, có cả những con em của các địa phương đang có chính sách “trải thảm đỏ” để thu hút nguồn nhân lực, trong khi Thừa Thiên Huế lại “không có đồng mô”.

“Hiện nay, trong số 70 bác sĩ đang trực tiếp tham gia công tác khám, chữa bệnh tại các khoa, phòng chuyên môn của Trung tâm Y tế Phú Vang, có 6 người đang làm việc theo chế độ hợp đồng. Mặc dù đơn vị luôn dành một phần kinh phí từ nguồn tự chủ để hỗ trợ các bạn cải thiện nguồn thu nhập, tạo động lực để họ an tâm công tác nhưng tình hình vẫn rất khó khăn. Vì hợp đồng ngoài lương ngân sách, nên các bạn chỉ được xác định là “người lao động” và không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với một viên chức, như chế độ phụ cấp, khen thưởng hay hỗ trợ kinh phí khi đi học sau đại học… Đây cũng là bất cập ở những đơn vị đã được giao quyền tự chủ. Trong tình hình hiện nay, thiết nghĩ lãnh đạo tỉnh cần sớm có biện pháp tháo gỡ phù hợp, có chính sách đặc thù để thu hút, “giữ chân” nguồn nhân lực cho y tế địa phương”, BSCKII. Trương Như Sơn nói.

Thay lời kết

Tại buổi làm việc với Đảng ủy và cán bộ chủ chốt của Sở Y tế về tình hình thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đánh giá rất cao những kết quả mà ngành y tế địa phương đã nỗ lực đóng góp cho mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước và khu vực. Đồng thời, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh: Trên cơ sở tiềm lực đã có, tôi đề nghị chúng ta phải xác định công tác quy hoạch là một trong những chiến lược quan trọng để phát triển ngành y tế trong 5, 10 năm tới và xa hơn nữa. Trong đó, cần phải xác định rõ những điểm mạnh của hệ thống y tế tư nhân để ưu tiên, khuyến khích phát triển và những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống y tế công lập cần phải đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước. Ngành y tế địa phương cũng phải làm sao để những chỉ tiêu của Thừa Thiên Huế về y tế và công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân phải nằm trong nhóm “top” 3-5 của cả nước.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

(Còn nữa)

Bài 2: “Ong chúa” và sự liên kết 3 trụ cột

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị Da liễu Quốc tế:
Kinh nghiệm, công nghệ và xu thế​

Hội nghị Da liễu Quốc tế từ 21 đến 23/11 do Bệnh viện Da liễu Trung ương, Sở Y tế, Bệnh viện Da liễu tỉnh phối hợp tổ chức thu hút nhiều chuyên gia trong, ngoài nước. Hàng trăm bài báo cáo được chia sẻ mang đến cái nhìn về phương pháp, kinh nghiệm, công nghệ… trong điều trị các bệnh về da. ​

Kinh nghiệm, công nghệ và xu thế​
Y tế kỹ thuật cao: Tạo đà bứt phá, vươn tầm.

Năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong các đơn vị y tế của cả nước về phát triển các kỹ thuật cao: Ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, lĩnh vực ung thư, đột quỵ, tim mạch...

Y tế kỹ thuật cao Tạo đà bứt phá, vươn tầm
Song hành mục tiêu tăng thu và chống thất thu thuế

Thu ngân sách nhà nước trong 10 tháng đầu năm ước đạt 9.775 tỷ đồng, bằng 82,9% dự toán do HĐND giao là con số khá khiêm tốn so với mục tiêu phấn đấu đạt 12.700 tỷ đồng trong năm 2024 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, từ đây đến cuối năm sẽ có một số dự án lớn đi vào hoạt động nên mục tiêu đạt kế hoạch thu ngân sách năm nay rất khả quan.

Song hành mục tiêu tăng thu và chống thất thu thuế

TIN MỚI

Return to top