ClockThứ Hai, 04/09/2023 07:04

“Trải thảm đỏ” thu hút người tài ngành y

TTH - Trong đợt đầu tiên tuyển dụng nhân lực chất lượng theo Nghị quyết 33 của HĐND tỉnh, có 4 bác sĩ (BS) trúng tuyển. Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ mới chỉ là điều kiện cần, để thu hút và giữ chân người tài cần thêm nhiều yếu tố…

Đòn bẩy thu hút nhân lực chất lượng trong ngành y tế

BS. Nguyễn Trương Gia Bảo (bên trái) phụ mổ trong một ca phẫu thuật sụp mí tại BV Răng Hàm Mặt Huế 

Vừa cống hiến, vừa học tập

Tháng 7/2023, lãnh đạo Sở Y tế tổ chức gặp mặt 4 cán bộ là bác sĩ trúng tuyển theo Nghị quyết 33/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. 4 BS này làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế gồm: Bệnh viện (BV) Da liễu, BV Răng Hàm Mặt Huế, Trung tâm Y tế TP. Huế.

Sau khi nhận quyết định, BS. Nguyễn Trương Gia Bảo được bố trí công tác tại Khoa Tạo hình thẩm mỹ Hàm mặt, BV Răng Hàm Mặt Huế. Vừa làm việc chuyên môn, anh vừa tham gia học chứng chỉ hành nghề tại BV Trung ương Huế. Hàng ngày, tại khoa, anh tiếp xúc tư vấn cho người dân đến khám. BS. Gia Bảo chia sẻ: “Công việc bây giờ của mình là nắm quy trình khám, chữa bệnh của 1 bác sĩ đa khoa (BSĐK), tham gia phụ mổ, đặc biệt là kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ và chăm sóc hậu phẫu. Là người Huế, bản thân mình muốn đóng góp cho ngành y và học tập ngay tại quê nhà nên mới nộp hồ sơ theo chủ trương thu hút nguồn nhân lực chất lượng của tỉnh”.

Tương tự, BSĐK. Lê Hữu Tĩnh về công tác tại BV Da liễu Huế. Tại đây, anh được lãnh đạo bệnh viện phân công nhiệm vụ tại phòng khám và dưới sự kèm cặp của người có kinh nghiệm. Tham gia quy trình khám sàng lọc hàng ngày giúp vị bác sĩ trẻ mới ra trường phát huy kiến thức chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm với chuyên ngành còn nhiều mới mẻ. “Sau bao năm học, mình quen với nhịp sống, tính cách con người nơi đây. Huế được đánh giá là nơi có môi trường tốt về y tế, thuận lợi cho việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với những người theo ngành y”, BS. Tĩnh lý giải cho sự “đầu quân” vào mảnh đất này khi bản thân anh sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị.

BSCKI. Nguyễn Thị Liên Hồng, người trực tiếp theo dõi, hướng dẫn BS. Lê Hữu Tĩnh cho hay: “Khoa Da liễu có đặc điểm bệnh lý đặc thù so với chuyên ngành khác. Các BS trẻ sẽ tập trung bệnh học thường gặp, sau đó mới tiếp cận các kỹ thuật mới của da liễu với các phương án thẩm mỹ, chăm sóc da, hướng tới sự toàn diện chuyên ngành này”.

Kinh phí hỗ trợ thôi chưa đủ

Nhiều năm qua, việc tuyển dụng của ngành y tỉnh gặp khó khăn. Giai đoạn 2017-2021, chỉ tuyển được khoảng 80 BS, đạt 32,58% so với nhu cầu. Số BS tuyển dụng hàng năm chỉ đáp ứng được 44,69% so với số BS bỏ việc, thôi việc, nghỉ hưu theo chế độ (180 người). Chính sách hỗ trợ kinh phí thu hút người tài được kỳ vọng sẽ ngăn việc “chảy máu chất xám”, đồng thời tạo “hấp lực” cho nguồn nhân lực chất lượng cao tại Huế. Điều này cũng góp phần thực hiện mục tiêu tỷ lệ 13-14 BS/vạn dân mà Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

PGS.TS.BS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Ngoài dự phòng, công tác khám, chữa bệnh đóng vai trò rất quan trọng. Nghị quyết 33 thể hiện sự quan tâm của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đối với đội ngũ nhân lực ngành y, nhất là với cán bộ trẻ. Do đó, người được tuyển dụng cần nỗ lực cống hiến”.

Theo chính sách thu hút của Nghị quyết 33 của HĐND tỉnh, trong 3 năm từ 2023-2025, sẽ thu hút khoảng 120-150 bác sĩ. Kinh phí hỗ trợ khoảng 45,5 tỷ đồng, được chi trả trong 5 năm từ nguồn ngân sách địa phương. Hiện, Sở Y tế đã ra thông báo tuyển dụng thu hút bác sĩ vào công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập y tế tỉnh theo chính sách thu hút của tỉnh đợt 2/2023. Do đó, việc quan trọng là cần tăng cường công tác truyền thông để đưa chính sách tiếp cận được đối tượng thụ hưởng.

Vấn đề kinh phí được xem là một điểm hấp dẫn của nghị quyết này, song thực tế để giữ chân người tài còn cần nhiều yếu tố khác, nhất là môi trường làm việc và nhu cầu học tập trên hành trình phát triển của các BS.

Bàn về các yếu tố liên quan, BS. Lê Đức Thịnh, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Huế thông tin, đơn vị có 2 BSĐK, hiện đang thiếu BSĐK gây mê, là người phụ trách theo dõi, giúp đỡ trực tiếp, tôi định hướng BS. Bảo theo lĩnh vực này. “Tại bệnh viện, các BS trẻ luôn được tạo điều kiện tối đa trong học tập, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Ban giám đốc còn xây dựng môi trường làm việc văn hóa, thân thiện để BS trẻ bày tỏ quan điểm, khơi gợi sáng kiến trong thực hiện các kỹ thuật hiện đại phục vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân”, BS. Lê Đức Thịnh nói thêm.

Trong khi đó, BSCKI. Nguyễn Đắc Hanh, Giám đốc BV Da liễu Huế khẳng định: “Bệnh viện có 4 BSĐK kể cả BS. Tĩnh. Theo nhu cầu của BS này, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tối đa cho Tĩnh học tập, nâng cao, trong đó chú trong lĩnh vực ngoại thẩm mỹ, lĩnh vực đang là xu hướng. Hiện, đơn vị chưa có ngân sách riêng để hỗ trợ, thu hút các BS. Nghị quyết 33 của HĐND tỉnh góp phần giải “cơn khát” nhân lực chất lượng không chỉ của riêng BV Da liễu mà còn cả với các bệnh viện khác”.

Không chỉ ngành y tế Thừa Thiên Huế, rất nhiều tỉnh, thành khác đã ban hành chính sách thu hút nhân lực chất lượng cho ngành y tế, tránh tình trạng “chảy máu chất xám”. Tuy nhiên, để một chủ trương có hiệu quả, chính sách cần phải sát với thực tiễn, thuận lợi và đủ mạnh để “hút” người tài. Ngoài những quy định trong nghị quyết, môi trường làm việc để các bác sĩ phát huy khả năng, phát triển bản thân; tạo điều kiện để học tập, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; thu nhập đảm bảo… mới giữ chân người tài làm việc - cống hiến. Khi đó, sự quan tâm, “tiếp sức” từ một chính sách của chính quyền đối với lĩnh vực y tế công mới thực sự ý nghĩa.

Chính sách thu hút của Nghị quyết 33/2022/NQ-HĐND về “Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực bác sĩ cho ngành y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2023-2025” dành cho 5 đối tượng gồm: Giáo sư, phó giáo sư; tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II; thạc sĩ bác sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I; Bác sĩ đa khoa đào tạo hệ 6 năm đến công tác tại cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh, huyện, thị xã, TP. Huế; bác sĩ đa khoa đào tạo hệ 6 năm đến công tác tại trạm y tế xã, phường, thị trấn. Nguồn nhân lực sau khi được tuyển dụng hoặc tiếp nhận vào các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, được hưởng chế độ hỗ trợ cao nhất dự kiến là 300 triệu đồng/năm, thấp nhất là 35 triệu đồng/năm, căn cứ vào trình độ đào tạo và nơi làm việc.

Bài, ảnh: Linh Tuệ
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đột phá trong thu hút đầu tư

Nhiều dự án nghìn tỷ, hàng chục nghìn tỷ được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đã khẳng định vị thế của Thừa Thiên Huế. Chưa bàn đến chuyện “xoay chuyển tình thế” trong việc sẽ tạo ra các giá trị cao, song các dự án đó minh chứng, tỉnh đã có bước đột phá trong thu hút đầu tư.

Đột phá trong thu hút đầu tư
Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh

Chiều 10/4, tại Nghệ An, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và Trường đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh
Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) là nền tảng, mở ra rất nhiều dư địa để thu hút đầu tư. Từ những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cùng với chiến lược hoàn thiện hạ tầng trong từng giai đoạn, các doanh nghiệp sẽ tìm thấy “miền đất lành” để đầu tư, phát triển.

Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh

TIN MỚI

Return to top