ClockChủ Nhật, 22/02/2015 08:32

Trạm y tế gần dân

TTH.VN - … Có người còn đến trạm y tế xã mua thuốc… nợ rồi xin gửi lại tiền sau, chị Bảy kể.

Nặng tình với người dân

Về Trạm y tế xã Vinh Hải lúc 11 giờ trưa, chúng tôi vẫn bắt gặp hình ảnh những cán bộ ở đây tận tình khám bệnh cho người dân. Trong phòng khám, bác sĩ nhẹ nhàng đo huyết áp, đặt ống nghe,…cho từng người với nụ cười luôn nở trên môi.

Khác với nhiều trạm y tế xã khác, ngoài cán bộ chuyên trách dân số là người địa phương, 6 cán bộ còn lại đều là người từ nơi khác đến, có người ở xã Vinh Hiền, Vinh Mỹ nhưng đa số đều vượt hàng chục cây số từ Lộc Bổn, thị trấn Phú Lộc, thậm chí đến 200km (ở Quảng Bình), để công tác.


Bệnh nhân xã Vinh Hải rất tin tưởng vào tay nghề và y đức của các y bác sỹ ở trạm

Chị Đoàn Thị Bảy, Trưởng Trạm y tế xã Vinh Hải kể, 15 năm công tác tại trạm, chứng kiến không ít khó khăn vất vả của anh em cán bộ trong trạm. Đời sống kinh tế khó khăn, nhiều người phải xin chuyển công tác nơi khác. Năm 2004, Trạm y tế mới được xây dựng nhờ dự án của ông Carpenter tài trợ. Có trụ sở hai tầng kiên cố, thế nhưng tính luôn cả bác sĩ tăng cường, Trạm y tế cũng chỉ có 4 cán bộ.

“Đội ngũ y tế thôn lúc đó chưa có. Một cán bộ đi học, “trụ cột” chỉ có một nữ hộ sinh và một dược sĩ; cơ sở vật chất, thuốc men thiếu thốn, lại thêm nhận thức người dân hạn chế tạo nên những áp lực rất lớn cho chúng tôi. Để vượt qua những khó khăn, chúng tôi chỉ còn cách đoàn kết, động viên nhau đem cái tâm ra làm việc hết mình”, chị Bảy tâm sự.

Ngày phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Đêm về họ tự nghiên cứu, tìm phương pháp giúp người dân có thông tin cơ bản để tự chăm sóc mình. Qua nhiều lần bàn bạc, họ tham mưu, đề nghị cấp trên xem xét giải quyết những khó khăn ở cơ sở. Theo chị Bảy, đời sống cán bộ lúc đó chật vật, mức lương chỉ đủ trang trải một phần cuộc sống, họ phải tự nghĩ người bệnh là người nhà của mình để hoàn thành tốt công việc.

Hầu hết thanh niên trẻ ở Vinh Hải đi làm ăn xa, ở lại địa phương là những người già. Họ hay mắc các bệnh thông thường, như: cảm ho, đau đầu, xương khớp nên thường xuyên đến khám. Dần dần cán bộ ở Trạm và người dân trở thành người quen của nhau, gặp nhau là chào hỏi như người thân. Có người còn đến Trạm y tế xã mua thuốc… nợ rồi xin gửi lại tiền sau. Vì quá tình cảm nên cán bộ ở Trạm vui vẻ bỏ tiền túi cho mượn, mong họ sớm lành bệnh. “Thân tình với người dân quá nên giải quyết công việc 1 phần có lý, 2 phần có tình chứ biết răng chừ”, chị Bảy chia sẻ.

Được dân thương

Trạm y tế xã Vinh Hải hiện có 7 cán bộ (1 bác sĩ, 1 y sĩ đa khoa, 1 y sĩ y học cổ truyền, 2 nữ hộ sinh trung học, 1 dược sĩ trung học, 1 chuyên trách dân số). Mỗi người một việc, nhưng họ đều đồng lòng vì người bệnh. Ngoài giờ làm việc ở Trạm, đội ngũ cán bộ y tế ở đây thường xuyên đến tận các thôn, hộ gia đình làm công tác tư vấn, tuyên truyền vận động, nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe ban đầu, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), phòng lây nhiễm HIV/AIDS…, thông qua những buổi tiếp xúc với người dân, họ có điều kiện nắm bắt hoàn cảnh từng gia đình, bệnh nhân để hiểu và yêu thương người bệnh hơn.


Vườn thuốc nam của trạm

Thấy được tình cảm đội ngũ cán bộ y tế xã, người dân xã Vinh Hải tin tưởng hơn chất lượng y tế ở Trạm. Tỷ lệ xin chuyển viện, vượt tuyến giảm dần, người dân đến khám ở Trạm đông hơn, có ngày lên đến 35 bệnh nhân khám, 10 bệnh nhân châm cứu tại Trạm. Hình ảnh người dân xã Vinh Hải đem củ sắn, nồi khoai, nải chuối, đến cho cán bộ Trạm y tế trở nên quen thuộc. Mệ Đặng Thị Hoa (74 tuổi), đến khám ở trạm cho biết: “Tui hay đi khám ở đây, uống thuốc lành bệnh mà bác sĩ cũng rất nhiệt tình. Ở đây xem bác sĩ như người thân”.

Nhờ sự cố gắng của đội ngũ cán bộ ở trạm và lòng tin của người dân, Trạm y tế Vinh Hải đã gặt hái được nhiều thành tích. Năm 2014, các hoạt động, công tác của Trạm đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu: tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 13,79% (chỉ tiêu 14%), tỷ lệ suy dinh dưỡng còn 10,63% (chỉ tiêu 11%), công tác dân số KHHGĐ thực hiện tốt; công tác đông tây y kết hợp hiệu quả, bốc gần 1000 thang thuốc cho bệnh nhân. Nhiều chương trình như thanh toán bệnh phong, tiêm chủng mở rộng, phòng chống lao, tâm thần… đạt nhiều kết quả đáng mừng.

Trong đợt phúc tra ngày 27/1, Trạm y tế xã Vinh Hải được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, đơn vị cũng từng được nhiều cơ quan ban ngành như: Sở Y tế, Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Thừa Thiên Huế… tặng giấy khen.

Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xanh như công viên, sạch như bệnh viện

Đó là khẩu hiệu được Bệnh viện Trung ương Huế cụ thể hóa từ phát động của Bộ Y tế. Nhiều hoạt động xây dựng môi trường trong lành, thân thiện, góp phần khống chế dịch bệnh, mang lại cả lợi ích cho thầy thuốc lẫn bệnh nhân.

Xanh như công viên, sạch như bệnh viện
Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

Ngày 1/11, hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 khai mạc với chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Hội nghị có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc sở y tế cùng hàng trăm bác sĩ, chuyên gia trong ngoài nước, nhà quản lý, hội viên Hội Nhi khoa Việt Nam…

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa
Ghép tim xuyên Việt, hồi sinh thêm một cuộc đời

Trái tim hiến từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã đập những nhịp đầu tiên trong cơ thể một bệnh nhân đánh dấu thành công cho hành trình chuyển giao sự sống. Đây là ca ghép kỷ lục với thời gian cấy ghép tim chỉ hơn 50 phút tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Ghép tim xuyên Việt, hồi sinh thêm một cuộc đời

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top