ClockThứ Ba, 02/04/2024 05:53

Triển khai kỹ thuật mới: Nâng tầm bệnh viện, thu hút bệnh nhân

TTH - Với sự chuẩn bị về nhân lực, phương tiện, các cơ sở y tế đã mời chuyên gia đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới trong điều trị, không chỉ mang lại lợi ích cho bệnh nhân (BN) mà còn nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, tăng nguồn thu cho đơn vị.

Bệnh viện TP. Huế: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng nhiều kỹ thuật mớiBệnh viện Trường Đại học Y Dược triển khai nhiều kỹ thuật mới

 Bệnh viện Mắt đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ triển khai kỹ thuật mới

Hạn chế chuyển tuyến

Bị thoát vị bẹn nặng, lao động khó khăn, anh T. V. A. - một người buôn bán tự do ở Phú Lộc đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế (TTYT) Phú Vang để được phẫu thuật. Anh A. là một trong số hàng chục bệnh nhân khác được phẫu thuật chỉ gần một tiếng đồng hồ. Sau khi xuất viện, anh A. 0989323xxx kể: “Sau mổ, tôi thấy người nhẹ nhàng, đi lại thoải mái, làm việc chất lượng, hiệu quả hơn trước. Tất cả mọi thứ diễn ra nhanh chóng, thuận tiện”.

Theo BS. Lê Thanh Hà, Trưởng khoa Ngoại TTYT Phú Vang: Kỹ thuật nội soi thoát bị bẹn được triển khai dưới sự chuyển giao và hướng dẫn của các chuyên gia tuyến trên. Đến nay có gần 30 bệnh nhân được điều trị, trong đó có cả bệnh nhi. Ưu điểm của kỹ thuật này là đảm bảo tính thẩm mỹ, mau phục hồi vết thương, BN có thể xuất viện sau 3 ngày. BSCKI. Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc TTYT Phú Vang cho hay: “Kỹ thuật này giúp điều trị cho nhiều bệnh nhân ở khu vực nông thôn, hạn chế việc chuyển lên tuyến trên. Sắp tới sẽ làm việc với Bộ môn Chấn thương chỉnh hình Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế xúc tiến kỹ thuật thay khớp háng. Việc triển khai các kỹ thuật mới giúp BN tiết kiệm thời gian, tiền bạc, đồng thời nâng cao chất lượng điều trị cho đơn vị”.

Bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Huế thực hiện nội soi mũi xoang cho bệnh nhân 

Mới đây, ở TTYT TP. Huế, chúng tôi cũng được xem ca phẫu thuật nội soi mũi xoang trên nền bệnh nhân bị dị ứng vẹo vách ngăn cho anh N. H. T., 21 tuổi. Các bác sĩ tiến hành chỉnh hình lại vách ngăn, đồng thời chỉnh hình hốc mũi nhằm đảm bảo chức năng hô hấp, giúp tình trạng bệnh lý cải thiện theo thời gian. BSCKII. Phạm Hữu Nhân, chuyên ngành Tai Mũi Họng, người trực tiếp thực hiện kỹ thuật nói trên giải thích: “Qua ống nội soi được phóng đại 10-15 lần so với mắt thường, chúng tôi quan sát, đánh giá tốt mức độ bệnh, giải quyết toàn diện. Phẫu thuật nội soi đường mở nhỏ, điều trị sau hậu phẫu sẽ nhanh chóng hơn, đảm bảo chức năng hô hấp ở mức độ cho phép”.

Thời gian qua, TTYT TP. Huế đã ký ghi nhớ chuyển giao kỹ thuật đối với Bệnh viện Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế. Có 2 kỹ thuật được triển khai thường xuyên là cắt u nang buồng trứng bằng phương pháp nội soi và cắt tử cung bán phần bằng phương pháp nội soi/mổ mở. Trong năm nay, đơn vị làm thêm một số kỹ thuật mới về mổ phẫu thuật kết hợp xương bằng đinh kisner xương cẳng chân, xương đùi.

Lĩnh vực xương sống

Năm 2023, Sở Y tế phê duyệt 847 dịch vụ kỹ thuật (DVKT) mới cho 12 đơn vị khám, chữa bệnh công lập trực thuộc: 219 DVKT cho các BV đa khoa/chuyên khoa và các TTYT; 628 DVKT cho các phòng khám đa khoa trực thuộc TTYT.

BSCKII. Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc TTYT thị xã Hương Thủy đánh giá: “Chúng tôi đã triển khai 60 kỹ thuật mới được Sở Y tế phê duyệt. Việc thực hiện nhiều phẫu thuật loại I, II tập trung ở lĩnh vực xương khớp, nội soi, chẩn đoán hình ảnh… giúp tạo nguồn thu hơn 1 tỷ đồng năm qua. Lượng BN cũng tăng hơn 10% chủ yếu ở điều trị bằng các dịch vụ kỹ thuật mới đã nêu.

Một kỹ thuật mới được triển khai phải có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, sự chuyển giao kỹ thuật. Vì vậy, tất cả các đơn vị phải phát huy nội lực của mình trong quá trình chuẩn bị. Theo tính toán, việc đào tạo nhân lực mất hơn 6 tháng, đấu thầu vật tư, trang thiết bị ít nhất thêm là 4 tháng và phải có BN để triển khai. Trong quá trình hoạt động, các cơ sở y tế được phê duyệt DVKT theo năng lực, quy mô và phạm vi hoạt động. Sau khi năng lực của các đơn vị được nâng lên, nhu cầu cần phát triển phục vụ người bệnh, tạo nguồn thu… thì các đơn vị sẽ lập hồ sơ trình Sở Y tế phê duyệt qua hệ thống dịch vụ công.

BSCKII. Trần Quốc Hùng, Giám đốc TTYT TP. Huế: “Dịch vụ kỹ thuật là lĩnh vực xương sống đối với một bệnh viện. Chúng tôi vừa cử người đi đào tạo các lớp nâng cao chuyên môn, vừa chuyển giao công nghệ, cầm tay chỉ việc tại chỗ. Các kỹ thuật mới ở đơn vị là bước đột phá, tạo điều kiện cho các bác sĩ trẻ tham gia, nâng cao tay nghề”.

Dưới góc độ quản lý, lãnh đạo Sở Y tế quan tâm đến việc phát triển DVKT tại các đơn vị khám, chữa bệnh. Điều này thể hiện qua việc chỉ đạo xây dựng đội ngũ nhân lực đủ về số lượng với trình độ chuyên môn cao, có năng lực, kỹ thuật tốt, đáp ứng với yêu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Bên cạnh đó, Sở còn chỉ đạo các phòng chức năng tham mưu trình UBND tỉnh để có chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị khám, chữa bệnh, đảm bảo về trang thiết bị, vật tư y tế và cơ sở hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại.

Trong lộ trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về y tế góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm y tế, khám, chữa bệnh chuyên sâu của cả nước và khu vực, lãnh đạo Sở Y tế thông tin sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt nhiều nhiệm vụ quan trọng và then chốt, trong đó có nhiệm vụ phát triển các DVKT mới tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bài, ảnh: T. NINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top