ClockThứ Sáu, 23/07/2021 10:21

Xây dựng kịch bản có dịch lây lan diện rộng để chủ động ứng phó

TTH.VN - Hiện nay, Thừa Thiên Huế có 6 ca dương tính với SARS-CoV-2 đang được điều trị. Trong nước, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới và số người tử vong tăng nhanh, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên trong và lây nhiễm từ bên ngoài vào vẫn rất cao.

Xây dựng kịch bản cụ thể thực hiện "mục tiêu kép" về phát triển kinh tế - xã hộiPhải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho TP. HuếSớm áp dụng phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất kinh doanh

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ở chợ Đông Ba

Theo đó, để triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, tại Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 21/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP. Huế tiếp tục thực hiện nghiêm và cập nhật thường xuyên, liên tục các chỉ đạo của các cấp về phòng chống dịch COVID-19 và các quy định, hướng dẫn công tác phòng chống dịch của ngành Y tế.

Quán triệt tinh thần, quan điểm “chống dịch như chống giặc”. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, bị động trong bất kỳ tình huống nào; chủ động để kịp thời xử lý các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, thực hiện quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng chống dịch; duy trì thực hiện tốt "5K", đặc biệt là bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng, thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch.

Chỉ thị yêu cầu Sở Y tế thực hiện tốt công tác khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, cách ly; triển khai nghiêm túc các quy định về cách ly y tế tập trung đối với các đối tượng có nguy cơ cao. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các địa phương thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc cách ly tại các khu cách ly tập trung, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo nếu có F0. Rà soát, hoàn chỉnh các phương án phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; xây dựng kịch bản có dịch lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh để chủ động ứng phó. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế... và huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Đồng thời, có phương án kích hoạt bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 theo kế hoạch của UBND tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đảm bảo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tuân thủ nghiêm túc các quy định về đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở y tế.

Chỉ thị cũng yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP. Huế chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, công an cấp xã; các tổ phòng, chống dịch cộng đồng tại địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện từ vùng dịch đến địa bàn. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người từ ngoài địa phương đến/trở về mà không được kiểm tra, kiểm soát, giám sát dịch tễ theo quy định.

Tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường siết chặt kiểm soát tại các Chốt kiểm tra y tế liên ngành. Kiên quyết không để các trường hợp người và phương tiện qua chốt mà không được kiểm soát phòng chống dịch, nhất là những người từ các tỉnh/thành có dịch về địa phương bằng phương tiện cá nhân.

Ngành y tế kiểm tra tình hình thực hiện cách ly tại nhà của người có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng dịch đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, quán ăn, cà phê… Kiên quyết đóng cửa các cơ sở vi phạm về phòng chống dịch. Tiếp tục rà soát để sẵn sàng phương án thành lập thêm các khu cách ly tập trung tại địa phương, chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh phát sinh phức tạp.

Kịp thời khen thưởng, thăm hỏi, động viên các lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, nhất là lực lượng tuyến đầu chống dịch; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch, rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở cố tình vi phạm quy định phòng chống dịch và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh và Sở Công thương chỉ đạo, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn trong các nhà máy, công xưởng trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phải có kế hoạch, phương án phòng chống dịch, thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cập nhật lên Bản đồ chống dịch. Dừng ngay hoạt động nếu không đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Chỉ đạo các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp xây dựng phương án tổ chức sản xuất khi có F0.

Trong Chỉ thị này, UBND tỉnh cũng đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với Sở Thông tin truyền thông, Sở Du lịch, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Du lịch và Sở LĐ-TB&XH và Sở Giao thông vận tải… để nâng cao tính chủ động trong ứng phó với nhiệm vụ phòng chống dịch.

Tin, ảnh: Đồng Văn

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng khó, nhằm chuẩn bị sẵn sàng về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp tiếng Việt để trẻ vào lớp 1.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số
Return to top