ClockThứ Hai, 12/12/2016 14:22
KỶ NGUYÊN MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ:

Y học cá thể hóa

TTH - Giải Nobel Hóa học 2015 được trao cho ba nhà khoa học là Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sancarvì những đóng góp quan trọng của họ trong việc khám phá ra cơ chế sửa chữa DNA trong tế bào, từ đó mở ra triển vọng mới trong chữa trị nhiều căn bệnh bao gồm các bệnh ung thư.

Đó cũng đồng nghĩa là triển vọnghoàn thiện một mô hình y học chủ đạo trong tương lai: y học cá thể hóa hay còn gọi là y học ứng hợp từng người (personalized medicine).

Khác với y học truyền thống

Lâu nay, việc chữa bệnh theo tây y được ví von như sau: một cậu thiếu niên chắc chắn sẽ không mua một loại quần áo giống như bà ngoại của mình, nhưng khi bị ốm họ có khả năng nhận được cùng một đơn thuốc điều trị. Quả thật, tây y được xem là có tính quần thể: “một phác đồ dùng chung cho tất cả mọi người mắc cùng một thứ bệnh mà không cân nhắc đặc thù của từng bệnh nhân”. Đó là quy trình phổ biến của y học truyền thống: “bác sĩ dựa vào các triệu chứng lâm sàng bệnh, các xét nghiệm và một số yếu tố liên quan như tuổi, giới, môi trường, dịch tễ... để đưa ra một chẩn đoán nhiều khả năng nhất, kê đơn và hướng điều trị thích hợp”. Nếu việc điều trị chưa hiệu quả, hoặc nhiều tác dụng phụ, bác sĩ sẽ đổi thuốc khác, điều chỉnh liều lượng... cho đến khi đạt một hiệu quả nhất định mới thôi. Hiệu quả ấy là hiệu quả trung bình cho tất cả các bệnh nhân.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, khả năng đáp ứng thuốc tùy thuộc vào những khác biệt sinhhọc của từng người, và trên thực tế các thuốc điều trị được đánh giá chỉ có tác dụng thật sự trên 60% bệnh nhân sử dụng. Riêng trong lĩnh vực ung thư, tỷ lệ này chỉ là 25%. Cơ thể con người có xu hướng phản ứng với thuốc theo những cách khác nhau và rất khó dự đoán. Nguyên nhân chính là mỗi người mang một biến thể duy nhất của bộ gene người, không ai giống ai. Cũng vậy, không ai giống ai khả năng mắc sai sót và khả năng sửa chữa sai sót trong sao chép các cặp nucleotides trong chuỗi xoắn kép DNA. Những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu di truyền học, về bản đồ gene người, về cơ chế sửa chữa DNA... đã giúp các nhà khoa học dự đoán được phản ứng của cơ thể dựa trên phân tích bộ gene của chính người bệnh, mở đường cho mô hình y học cá thể hóa.

Nhắm đích phân tử

Trong ung thư, khác với hóa trị liệu truyền thống là dùng các thuốc gây độc tế bào với một số phác đồ nhất định, y học cá thể hóa (được biết đến với tên gọi liệu pháp nhắm trúng đích phân tử- molecularly targeted therapy) sử dụng những chẩn đoán phức tạp và tinh tế để đưa ra phác đồ điều trị chính xác, phù hợp đặc điểm di truyền của từng người ở cấp độ phân tử. Chính vì vậy, cốt tử của y học cá thể hóa là các xét nghiệm dược di truyền (pharmaco-genetic testing) nhằm xác định gene đích của người bị ung thư có mang các đột biến nào, có các thụ thể đặc hiệu cho điều trị nhắm đích hay không.

Y học cá thể hóa tiếp cận tất cả các khâu từ dự phòng, chẩn đoán cho đến điều trị, chăm sóc và theo dõi bằng các xét nghiệm và thuốc được chỉ định riêng cho từng bệnh nhân dựa trên thông tin di truyền của chính họ. Những thông tin này được chuyển tải thành các xét nghiệm sinh học mà qua đó bác sĩ sẽ dự đoán xu hướng mắc bệnh, phát hiện bệnh sớm, gợi ý thay đổi lối sống cho phù hợp, đề ra phương pháp điều trị tối ưu và tiên lượng mức độ đáp ứng của từng người. Một ví dụ về dự phòng ung thư từng gây chú ý dư luận là việc nữ diễn viên xinh đẹp nổi tiếng người Mỹ Angelina Jolie đã phẫu thuật cắt bỏ vú và buồng trứng theo lời tư vấn của bác sĩ. Cô mang trong mình đột biến gene BRCA1 đồng thời cũng có tiền sử gia đình có bà, mẹ, dì mất vì ung thư, nghĩa là cô có nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng rất cao.

Khác với các chu kỳ hóa trị được ví như những trận “ném bom rải thảm”, liệu pháp nhắm đích phân tử chỉ tập trung mục tiêu đặc biệt, chính là các đột biến gene và các protein gây rối loạn dẫn truyền tín hiệu tăng trưởng, sự bất tử của tế bào, các gene sinh ung, sự tăng sinh mạch vô hạn... Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là liệu pháp nhắm đích không gây độc cho cơ thể như hóa trị mà trái lại nó vẫn có những tác dụng không mong muốn như gây chảy máu, tăng huyết áp, độc tim, nôn mửa, sần ngứa da... Nếu phối hợp với hóa trị, độc tính càng tăng lên. Một bất lợi khác của liệu pháp nhắm đích hiện nay là chi phí điều trị lớn, có thể gấp hàng trăm lần so với các phác đồ hóa trị chuẩn cho cùng một bệnh.

Vượt qua tất cả, triển vọng của liệu pháp nhắm đích trong mô hình y học cá thể hóa là không còn bàn cãi. Với mục tiêu điều trị đúng bệnh, đúng thuốc, đúng người, ngày càng nhiều thuốc mới được nghiên cứu nhắm trúng đích phân tử của căn bệnh cho từng bệnh nhân ung thư. Các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng hàng đầu trên thế giới đang nghiên cứu cùng lúc cơ bản và lâm sàng, mà những thành tựu bước đầu được dự báo có thể làm biến đổi nguyên tắc thực hành điều trị ung thư.

TS.BS PHẠM NGUYÊN TƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị Da liễu Quốc tế:
Kinh nghiệm, công nghệ và xu thế​

Hội nghị Da liễu Quốc tế từ 21 đến 23/11 do Bệnh viện Da liễu Trung ương, Sở Y tế, Bệnh viện Da liễu tỉnh phối hợp tổ chức thu hút nhiều chuyên gia trong, ngoài nước. Hàng trăm bài báo cáo được chia sẻ mang đến cái nhìn về phương pháp, kinh nghiệm, công nghệ… trong điều trị các bệnh về da. ​

Kinh nghiệm, công nghệ và xu thế​
1.500 đại biểu tham dự hội nghị da liễu Quốc tế

Tối 21/11, hội nghị Da liễu Quốc tế diễn ra phiên khai mạc chính thức. Hội nghị do Bệnh viện Da liễu Trung ương, Sở Y tế, Bệnh viện Da liễu tỉnh phối hợp tổ chức. Sự kiện quy tụ hơn 1.500 đại biểu trong, ngoài nước là các giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực da liễu, thẩm mỹ.

1 500 đại biểu tham dự hội nghị da liễu Quốc tế
Ca ghép tim xuyên Việt thứ 12 xuất viện

Ngày 12/11, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin, người được ghép tim xuyên Việt thứ 12 đã làm thủ tục xuất viện. Lãnh đạo BV cùng đội ngũ chăm sóc sau ghép tặng hoa chúc mừng và chia vui cùng gia đình người bệnh.

Ca ghép tim xuyên Việt thứ 12 xuất viện

TIN MỚI

Return to top