Thời Pháp thuộc, cụ Hội là quản khố đỏ. Tuổi thanh xuân, cụ bị bắt đi lính tùng chinh sang Pháp chiến đấu chống phát xít Đức. Cụ giác ngộ cách mạng nhờ đọc báo Việt Nam Hồn tại Pháp. Về nước, đầu năm 1941 xảy ra xung đột Xiêm – Pháp, cụ lại bị đẩy lên Trung Lào để chỉ huy một đại đội khố đỏ ở tỉnh Xa-va-na-khet, có cơ hội liên lạc được với Xứ ủy Việt Minh Thái – Lào, cụ tham gia hoạt động trong tổ chức Binh hội Cứu quốc. Tháng 8 năm 1945, cụ nhận nhiệm vụ chỉ huy dân vệ binh kết hợp với công tác binh vận cướp chính quyền hai đồn Thừa Thiên và Khâm sứ Huế thành công. Khi thành lập Giải phóng quân Thừa Thiên, cụ được cử làm Chi đội trưởng chi đội Trần Cao Vân, sau đó phát triển thành Trung đoàn Trần Cao Vân.
Ở thời điểm ấy, cụ Hội là một trong những cán bộ quân sự có năng lực chỉ huy chiến đấu. Nơi nào chiến sự khó khăn thường cụ được cấp trên phái đi. Cuối năm 1945, mặt trận chặn tàn quân Pháp trên đường số 9 từ Sê-Pôn tiến về Lao Bảo, đang lúc quân ta lùi dần từng bước thì cụ được điều lên làm chỉ huy trưởng, cùng với chính trị viên Nguyễn Lạc (tức Chu Huy Mân) chỉ huy đánh bật địch trở lại Sê-Pôn.
Sau Hiệp định sơ bộ (6-3-1946), Chính phủ ta thỏa thuận cho quân Pháp vào thay quân Tưởng, chúng có thời cơ giở trò khiêu khích với mưu đồ xâm lược lần thứ hai, cụ Hội trở về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Trần Cao Vân, gấp rút ổn định các đơn vị chủ lực, lập các phương án tác chiến, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp có thể diễn ra. Ngày 2-9-1946 Trung đoàn trưởng Trần Gia Hội cưỡi ngựa dẫn đầu đoàn duyệt binh phất kiếm chào khi đi qua khán đài biểu dương lực lượng của trung đoàn trong lễ Quốc khánh mừng một năm độc lập tại sân vận động Huế.
Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đến 0 giờ ngày 20 rạng ngày 21 tháng 12, Huế cùng cả nước nổ súng kháng chiến và nhanh chóng giành thế chủ động bằng cuộc vây hãm địch trong thành phố. Quân ta chia làm 3 khu A, B, C do đồng chí Hà Văn Lâu mới ở Khánh Hòa ra làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến, kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận Thừa Thiên Huế. Cụ Hội được phân công làm Chỉ huy trưởng khu B cùng Chỉ huy phó Lê Khánh Khang đánh địch từ cầu Trường Tiền đến cầu An Cựu, là khu hỏa lực địch mạnh, chiến sự diễn ra rất ác liệt.
Tại khách sạn Mô-ranh (Morin) quân ta chiếm giữ tầng dưới, địch cố thủ ở tầng trên, tập trung hỏa lực kiềm chế cầu thang, giằng co với ta rất quyết liệt. Lúc này, đồng chí Trần Hữu Dực, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Trung Bộ đến thăm, động viên chiến sĩ. Đồng chí gợi ý bó rơm làm vật cản để tấn công lên cầu thang. Cụ Hội nói địch sẽ bắn đạn lửa cháy, liền nghĩ ra là trộn ớt vào rơm xông cho chúng cay ngạt trong lúc điện nước đã bị cắt để gây sức ép đối với chúng. Và thế là hàng trăm thùng ớt, hàng ngàn gánh rơm được huy động từ các làng quê chở đến khu B. Cụ Hội đã tổ chức nhiều trận chiến đấu kết hợp với xông rơm ớt tấn công vào nhiều vị trí địch. Rơm ớt cháy hàng giờ, hàng ngày dưới chân cầu thang, quanh các vị trí cố thủ của địch, làm chúng bị nung nóng, hắt hơi, chảy nước mắt nước mũi phải co cụm lại, tạo thuận lợi cho quân ta giữ vững trận địa bao vây, chia cắt, liên tục tấn công, quấy rối, tiêu hao, tiêu diệt dần bọn chúng. Quân Pháp thiếu thức ăn, nước uống, đạn dược, thuốc men,… phải dùng máy bay thả dù tiếp tế cho đồng bọn.
Đầu năm 1947, Pháp dùng viện binh Âu - Phi đổ bộ đường biển chia làm nhiều mũi, nhiều hướng, kết hợp với quân nhảy dù và hỏa lực phi pháo với quy mô lớn tiến vào Huế giải vây cho bọn chúng. Bộ phận chặn viện của ta ở Lăng Cô – Thừa Lưu là Tiểu đoàn 18 gặp khó khăn, Tiểu đoàn trưởng Võ Văn Hinh hy sinh, Chính trị viên Dũng Oánh bị địch bắt, cấp trên lại điều cụ Hội vào cầm quân chặn viện binh địch. Địch đông, hỏa lực mạnh, ta chỉ còn hai đại đội Giải phóng quân và một trung đội tự vệ, vũ khí thô sơ, nhưng dưới sự chỉ huy khôn khéo linh hoạt của cụ Hội cộng với tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường của chiến sĩ, ta đã cầm cự được 19 ngày, làm chậm bước tiến và gây cho địch nhiều thương vong.
Sau 50 ngày đêm vây hãm quân Pháp ở Huế, quân ta rút lên vùng rừng núi Hòa Mỹ (Tây Bắc TP. Huế) lập chiến khu tiếp tục cuộc kháng chiến. Địch chiếm Huế, mở rộng kiểm soát ra các vùng nông thôn, thiết lập bộ máy tay sai, chúng rải truyền đơn, treo giải một vạn đồng Đông Dương thưởng cho ai bắt được Trần Gia Hội và Hà Văn Lâu. Nhưng chỉ hơn một tháng rưỡi sau, khi lực lượng vũ trang ta được củng cố, cụ Hội lại được cấp trên tín nhiệm giao cho tổ chức trận đánh mở đầu, tạo khí thế mới bằng bí mật tập kích đồn Hộ Thành – một vị trí nằm sâu trong nội thành (nay là Trường THPT Nguyễn Huệ). Ngày 23-4-1947, cụ đã tổ chức chỉ huy hai tiểu đội cảm tử bất ngờ đột nhập vào đồn Hộ Thành lúc nửa đêm gây thương vong lớn cho địch rồi nhanh chóng rút ra bảo toàn lực lượng như xuất quỷ nhập thần, bọn chúng không kịp trở tay đối phó. Trận đánh đã tạo được tiếng vang lớn cả về quân sự và chính trị, khôi phục lòng tin trong nhân dân.
Sau trận này, cụ được lệnh ra Liên khu 4 làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn liên pháo đảm nhiệm việc huấn luyện sử dụng các loại pháo, Cụ đã lập được thành tích xuất sắc.
Cuối năm 1948, cụ nhận lệnh trở vào lại chiến trường Bình Trị Thiên, làm Trung đoàn phó Trung đoàn 101 kiêm Tham mưu trưởng. Đến tháng 11 năm 1949 cụ được giao nhiệm vụ xây dựng bộ đội địa phương, làm Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Thừa Thiên, cụ lại có dịp tiếp tục cầm quân lập công san phẳng hai đồn địch ở làng Thuận Hòa và làng Triêm Ân.
Cụ được phong cấp hàm Thiếu tá tháng 10 năm 1958, đợt đầu tiên theo chế độ quân hàm trong Quân đội, cho đến năm 1966 cũng với cấp hàm ấy cụ nghỉ hưu đợt đầu trong Quân đội.
Cán bộ, chiến sĩ thời ấy rất quý mến tôn vinh cụ là “Tướng Rơm ớt”, gợi lại một thời chỉ huy đánh giặc ngoại xâm tại quê nhà gian lao mà anh dũng.
Trần Quốc Phong