Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho một trẻ em ở Trung Quốc. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Đó là cảnh báo vừa được Tổ chức phi chính phủ KidsRights của Hà Lan đưa ra trong một cuộc khảo sát thường niên, được công bố vào ngày hôm nay (3/6).

Theo kết quả của cuộc khảo sát, hàng triệu trẻ em đã mất đi cơ hội học tập do các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19; dịch bệnh này cũng sẽ có tác động lâu dài đến sức khỏe thể chất và tâm thần của trẻ.

Cuộc khảo sát của KidsRights đã xếp hạng Iceland, Thụy Sĩ, và Phần Lan là những quốc gia giữ vị trí tốt nhất về đảm bảo quyền của trẻ em; trong khi đó, Chad, Afghanistan, và Sierra Leone được xếp hạng thấp nhất, trong tổng số 182 quốc gia được khảo sát.

Ông Marc Dulleart, nhà sáng lập và Chủ tịch của KidsRights cho rằng: "Những ảnh hưởng của đại dịch đối với trẻ em không may đã vượt xa dự báo của chúng tôi khi đại dịch mới bùng phát hồi năm ngoái".

Ngoài những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19, trẻ em là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, không phải trực tiếp bởi chính virus, mà chủ yếu do những hành động hỗ trợ không kịp thời từ các Chính phủ trên thế giới. Qua đó, phục hồi giáo dục chính là chìa khóa để tránh "thảm họa thế hệ", ông Marc Dulleart khẳng định.

Bên cạnh đó, tổ chức KidsRights cũng cho biết, trường học của hơn 168 triệu trẻ em đã bị đóng cửa trong gần 1 năm, và cứ 3 trẻ em trên toàn thế giới thì có 1 trẻ không thể tiếp cận với hình thức học tập từ xa khi trường học của chúng bị đóng cửa. Ngoài ra, có thêm 142 triệu trẻ em rơi vào cảnh nghèo đói về vật chất, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Trong khi đó, 80 triệu trẻ em dưới 1 tuổi có thể bỏ lỡ việc tiêm chủng định kỳ để phòng ngừa những dịch bệnh khác, do hệ thống chăm sóc sức khỏe bị gián đoạn. Đáng chú ý, cuộc khảo sát nhấn mạnh rằng, cũng có một "sự gia tăng đáng kinh ngạc" về bạo lực gia đình trong thời gian thực hiện các biện pháp phong toả để kiểm soát đại dịch, và trẻ em thường trở thành nạn nhân.

Lê Thảo (Lược dịch từ AFP)