Trong số các nhà thơ được tuyển chọn vào tập Thi nhân Việt Nam, thi sĩ gốc Huế có bốn người được chọn: Phan Văn Dật (sinh 1909) ở làng Phú Xuân – Hương Trà, được chọn giới thiệu ba bài: Tiễn đưa, Bi xuân nương, Nàng con gái họ Dương; Mộng Huyền (sinh 1919) ở Huế với bài Vườn hoang; Nguyễn Đình Thư (sinh 1917) ở Phước Yên, Quảng Điền với các bài: Đến chiều, Sang ngang, Tống biệt, Vương tình, Thiệt thà; Tôn Nữ Thu Hồng với ba bài: Tơ lòng với đẹp, Êm đềm, Mảnh hồn thơ.

Tôn Nữ Thu Hồng sinh ngày 19-7-1922, từng học Đồng Khánh Huế, xuất bản tập Sóng thơ năm 1940. Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết về nữ thi sĩ Tôn Nữ Thu Hồng trong Thi nhân Việt Nam như sau:

Người ta vẫn nói giọng Huế phải nghe từ miệng con gái Huế mới có duyên. Lần thứ nhất trên thi đàn ta được nghe giọng một người con gái Huế, mà lại là người trong hoàng tộc: Tôn Nữ Thu Hồng.

Giá Thu Hồng chịu làm những câu trơn tru mà trống rỗng, chắc chẳng khó gì. Ai mà không làm được những câu trơn tru, trống rỗng? Nhưng người có cái ý muốn rất đáng quý là diễn đúng hình dáng riêng của hồn mình. Có phải vì thế mà giọng nói của người có vẻ ngọng ngịu rất ít có trong thơ ta. Ngọng nghịu khi ôn lại quãng đời thơ ấu đã đành; ngọng nghịu cả khi ca ngợi cảnh trời:

Cảnh đẹp cứ dàn thêm bước bước

Lời ngợi khen mỗi phút lại thay thay

Và nữa:

Ở xứ này, nói đến những thiếu nữ làm thơ người ta thường mỉm cười. Hình như thơ là một cái gì to chuyện lắm. Thu Hồng đã tránh được cái mỉm cười mỉa mai ấy vì người rất bình dị, rất hồn nhiên, không lúc nào ra vẻ muốn làm to chuyện.”

Con gái Huế trước thời kỳ Thơ Mới làm thơ viết văn không nhiều lắm, chỉ có 5 người. Triều Nguyễn khởi thủy cho văn học nữ có Bà Huyện Thanh Quan với những câu thơ biên tái “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Bà từng sống ở Phú Xuân 8 năm dạy các hoàng nữ trong cung, khi trở ra Bắc, công chúa Mai Am có tiễn đưa bằng bài thơ “Tống Lưu Ái Lan thất Nguyễn Thị quy Hà Nội”. Tiếp đó có bà Nguyễn Nhược Thị Bích (1830 – 1909), từng dạy hoàng tử Ưng Thị sau là vua Đồng Khánh; hoàng tử Ưng Đăng, sau là vua Kiến Phúc. Sau vụ thất thủ kinh đô, bà làm bài thơ lục bát nhan đề “Loan dư hạn Thục ca” (Xe loan vào đất Thục) thuật lại chuyện vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở. Các nữ danh sĩ khác phải kể đến Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh (sinh 1824), tự là Trọng Khanh, hiệu là Nguyệt Đình, hoàng nữ thứ mười tám của vua Minh Mạng. Khi chồng là phò mã Phạm Đăng Thuật còn sống, hai vợ chồng cùng nhau xướng họa thành tập thơ. Về sau bà còn làm thêm một tập thơ là “Nguyệt Đình thi thảo”, rất tiếc là chưa tìm thấy. Nguyễn Phúc Trinh Thận, tự là Thúc Khanh, hiệu là Mai Am (sinh 1826), có sáng tác tập “Diệu Liên thi tập”. Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa (1830), tự là Quý Khanh, hiệu là Huệ Phố, để lại tập Huệ Phố Thi tập.

Đặc biệt về sau, có Nữ sử Đạm Phương, một nữ học giả suốt đời đấu tranh cho sự đổi mới giáo dục con người, chấn hưng đất nước.

Đến thời kỳ Thu Hồng làm thơ, là thời buổi cái mới thôi thúc: “Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi mới vậy. Cái khát vọng cởi trói cho thi ca chỉ là cái khát vọng nói rõ những điều kín nhiệm – u uất, cái khát vọng được thành thật. Một nỗi khát vọng khẩn thiết đến đau đớn”... (Thi nhân Việt Nam)

Thời buổi ấy, sự bảo thủ đang còn đè nặng, đến mức có người còn đòi chém cả Lưu Trọng Lư vì dám đổi mới thơ. Con gái Huế bấy giờ làm thơ cũng chưa nhiều lắm, vậy mà Thu Hồng làm thơ mới vượt lên tất cả, để đi vào Thi nhân Việt Nam thì thật đáng nể. Thậm chí, Thi nhân Việt Nam còn đánh giá Tôn Nữ Thu Hồng khá cao, xếp ngang hàng với nhiều anh tài khác: “Chung quanh đôi bạn Xuân Diệu – Huy Cận có...: Tế Hanh, Huyền Kiêu, Đinh Hùng, Phan Khắc Khoan, Thu Hồng, Nguyễn Đình Thư... Đôi nhà thơ như Lan Sơn, Thanh Tịnh, lúc nãy đã thấy một bên Thế Lữ, bây giờ lại kéo nhau về đây”.

Hơn nửa thế kỷ sau, các thế hệ học trò Huế còn thi nhau chép trong sổ tay những tư tưởng triết lý không bóng bẩy, nhưng rất dễ thương bởi cái thiệt thà hợp với tuổi học trò:

Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái

Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua

Chép vậy đó, rồi không biết là của ai, có kẻ nói của Xuân Diệu, có kẻ nói của Chế Lan Viên. Vậy mà thơ đó là của Tôn Nữ Thu Hồng.

Đó là dấu hiệu người đời sau ít biết đến nữ thi sĩ xứ Huế duy nhất có tên trong Thi nhân Việt Nam. Bởi vì sau đó, các công trình nghiên cứu rất ít nhắc đến tên. Ngay cả trong Từ điển văn học do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội - Hà Nội – xuất bản 1983, cũng không có tên của nhà thơ nữ tiên phong ngày ấy... Và ở Huế, cũng không ai biết gia đình nhà thơ Tôn Nữ Thu Hồng nay đang ở đâu...

Hồ Đăng Thanh Ngọc