Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh minh họa: Reuters/Thanh Niên

Theo đó, bà Kamala Harris đang tìm cách đảm bảo cam kết hợp tác nhiều hơn về an ninh biên giới và đầu tư kinh tế. Song vấn đề tham nhũng sẽ là một thách thức cho lãnh đạo này.

Jason Marczak, Giám đốc Trung tâm Mỹ Latinh Adrienne Arsht thuộc Hội đồng Đại Tây Dương cho biết: “Tham nhũng là một căn bệnh ung thư trong khu vực. Giải quyết tham nhũng là điều cơ bản để tạo ra hy vọng và tiềm năng cho cơ hội”.

Giám đốc Jason Marczak cũng lưu ý rằng, vấn đề tham nhũng trong khu vực ảnh hưởng đến tiến độ của quá trình bảo vệ nhân quyền, cơ hội việc làm, chi phí hàng hóa và nhiều hơn nữa. Cần tiến hành đầu tư, và đầu tư từ nơi có sự chắc chắn trong pháp quyền. Nếu không đạt được mục tiêu này, những nỗ lực cải thiện điều kiện sống sẽ không thể đi xa hơn.

Được biết, trong thời gian kể từ khi được Tổng thống Mỹ Joe Biden giao nhiệm vụ giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề di cư đến biên giới Mỹ - Mexico, bà Kamala Harris đã đưa ra cách tiếp cận tập trung vào việc tạo ra các cơ hội và điều kiện sống tốt hơn trong khu vực thông qua viện trợ kinh tế và nhân đạo.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã công bố kế hoạch cung cấp 310 triệu USD để hỗ trợ người tị nạn và giải quyết tình trạng thiếu lương thực.

Washington đã giành được một số thiện chí thông qua chính sách vaccine ngoại giao của mình trong tuần qua. Tổng thống của Guatemama Alejandro Giammattei và Tổng thống Mexico Adres Manuel Lopez Obrador đều đã nhận được cuộc gọi từ bà Kamala Harris thông báo về việc Mỹ sẽ gửi lần lượt 500.000 liều và 1 triệu liều vaccine COVID-19 đến hai nước này.

Ở Guatemala, bà Kamala Harris có kế hoạch gặp gỡ các nhà lãnh đạo cộng đồng và doanh nhân... Tại Mexico, bà sẽ tham gia trò chuyện với các nữ doanh nhân và tổ chức họp bàn tròn với các công nhân lao động. Đây là những hoạt động bên cạnh các cuộc gặp song phương với lãnh đạo hai nước.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)