Nhưng đâu chỉ mùa đông. Ngay cả mùa nắng ấm, hồ Tịnh Tâm dường như cũng chỉ đầy hơn đôi chút, dù có dân và có cả sự hiện diện của một trường đại học. Dẫu được xem là một kiến trúc tiêu biểu của kiến trúc cảnh quan thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, nhưng di sản văn hóa này vẫn chưa có nhiều điều kiện và cơ hội để bộc lộ và chứng tỏ mình, dù đã có dự án khảo cổ, đã được đặt vấn đề để chỉnh trang, tôn tạo và phát huy.

Việc lấn chiếm diện tích lòng hồ đã được dư luận và báo chí đề cập rất nhiều trong thời gian qua và các cơ quan chức năng cũng đã mất rất nhiều thời gian và công sức để giải quyết điều này. Nhưng có lẽ, vấn đề nổi cộm của Tịnh Tâm bây giờ chính là sự ô nhiễm nguồn nước, dẫn đến ô nhiễm môi trường. Điều đó không chỉ làm người dân mà cả du khách nữa thêm ngại đến thăm thú...

Thực ra mà nói thì ở đây, những tác động trong việc quản lý dân cư đô thị cùng những vấn đề kéo theo của nó trong thời gian dài đã thể hiện rất rõ trong việc hồ Tịnh Tâm bị xâm lấn cả về diện tích lẫn không gian. Cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét lòng hồ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung là điều đã được UBND tỉnh và TP Huế quan tâm và chỉ đạo tiến hành. Tuy nhiên, số liệu quan trắc mới nhất của Sở Tài nguyên và môi trường cho thấy, các thông số quan trắc như TSS, BOD5, Amoni (NH4+), Nitrat, Photphat, dầu mỡ động thực vật, chất tẩy rửa tại 10 vị trí trong hồ đều vượt quá giới hạn cho phép tại quy chuẩn quốc gia về nước mặt. Sự phát triển của đời sống đô thị với những nhu cầu thiết thân đã làm cho người dân ở xung quanh vùng hồ phải trả giá trước hết về môi trường sống của chính họ, sau đó là những tác động tiêu cực khác cho di sản, cho du lịch và những vấn đề khác lớn hơn.

Thế nên, vấn đề ở đây chưa phải là tổ chức hoạt động gì tại không gian hồ Tịnh Tâm mà phải là làm gì và làm thế nào để giải quyết cho được những tác động tiêu cực về mặt môi trường cùng những phát sinh và hệ lụy tiếp theo của nó.

Điều ấy cũng có nghĩa là, hiện tại, vấn đề của Tịnh Tâm không chỉ là câu chuyện của mặt hồ.

Bình Nguyên