Hệ thống thiết bị chuyên dụng đã lắp đặt tại bến số 3 để đi vào hoạt động

Để bến này hoạt động bền vững hiệu quả  đến thời điểm này, bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị cơ giới, trục cẩu, máy xúc lực..., đơn vị đã tuyển dụng, đào tạo tập huấn được đội ngũ nhân lực hơn 100 cán bộ, lao động vào làm việc; trong đó ưu tiên phần lớn là người địa phương.

Bến số 3 có quy mô diện tích hơn 13 ha, trong đó bến bãi hơn 10 ha và gần 3 ha mặt nước; chiều dài bến 270m. Tổng kinh phí đầu tư bến số 3 là  846 tỷ đồng. Với nhiều hạng mục như bến cập tàu, nạo vét khu nước trước bến, kè bờ, san lấp mặt bằng, khu neo đậu, bãi chứa hàng,..., đây sẽ trở thành bến cảng tổng hợp, phục vụ dịch vụ hậu cần, đảm bảo cho tàu, các phương tiện vận tải đường thủy có trọng tải 50.000-70.000 tấn ra vào.

Đưa bến cảng số 3 đi vào hoạt động nhằm hỗ trợ giảm tải cho bến số 1 hiện đang quá tải trong việc tiếp nhận lượng hàng hóa bằng đường biển ngày càng gia tăng. Cùng với thời điểm bến số 3 đi vào hoạt động, bến số 2 cảng Chân Mây do Công ty CP Cảng Chân Mây làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 849 tỷ đồng cũng hoàn thành đưa vào hoạt động trong tháng 7 tới.

Như vậy từ tháng 7/2021 trở đi, hệ thống cảng Chân Mây sẽ có 3 cầu cảng tiếp nhận lượng hàng hóa bình quân đạt 7,4 triệu tấn/năm, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa của các doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế-xã hội của địa phương...

Tin, ảnh: Song Minh