Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Ngọc B.N vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) vì đi loạng choạng, ăn uống kém. Tại đây, bé được chẩn đoán bị u nguyên bào thần kinh có nguy cơ cao. Bé đã được Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị với hóa chất, phẫu thuật, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục điều trị và được quyết định ghép tủy tự thân.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc ghép tủy cho B.N gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn máu. Trước tình hình đó, Ban Giám đốc Bệnh viện đã huy động nguồn máu từ đội ngũ tình nguyện viên và cán bộ viên chức toàn viện để phục vụ kịp thời cho kỹ thuật ghép tủy ở bệnh nhi.

Ê kíp bác sĩ thực hiện ca ghép tủy cho bệnh nhi

Trong quá trình thực hiện ghép tủy, việc sử dụng hóa chất liều cao, cháu có biểu hiện loét niêm mạc miệng mức độ nhẹ kèm nhiễm trùng. Nhưng nhờ có sự theo dõi sát và điều trị tích cực, bệnh nhi đã phục hồi nhanh sau ghép và được ra viện.

Đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện ghép tủy tự thân cho 9 trường hợp bệnh nhi. Trong đó, 8 trường hợp bị u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao và một cháu u nguyên bào võng mạc di căn. Tỉ lệ thành công là 100%. Hiện tại, bệnh viện đang ghép ca thứ 10 bị u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, và thời gian sắp tới, bệnh viện vẫn tiếp tục thực hiện ghép tế bào gốc tự thân cho rất nhiều cháu từ các miền đất nước chuyển về, với các căn bệnh: lymphoma non Hodgkin tái phát, u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao.

Đồng Văn