Trong bảng xếp hạng năm nay, Hồng Kông, Trung Quốc không còn là thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với người nước ngoài. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cụ thể, Ashgabat đã tăng 1 bậc so với bảng xếp hạng chỉ số chi phí sinh hoạt tại các thành phố trong năm 2020 của Mercer. Ashgabat thay đổi vị trí trong bảng xếp hạng với Hồng Kông (Trung Quốc), nơi đã dẫn đầu bảng xếp hạng này trong 3 năm trước đó.

Bảng xếp hạng năm 2021 của Mercer đã xếp hạng chi phí sinh hoạt ở 209 thành phố trên thế giới, bằng cách so sánh chi phí của hơn 200 mặt hàng ở mỗi địa điểm, bao gồm thực phẩm, đồ gia dụng, phương tiện đi lại và nhà ở.

Đối với thành phố thủ đô của Turkmenistan, chuyên gia Kate Fitzpatrick tại Mercer khu vực Vương quốc Anh và Ireland nhấn mạnh rằng, lạm phát đã tăng 11% và “việc thiếu ngoại tệ trong nước đã ảnh hưởng đến sự sẵn có và chi phí của các mặt hàng tạp hóa cơ bản”.

Đáng chú ý trong bảng xếp hạng năm nay, thủ đô Beirut của Lebanon trở thành thành phố đắt đỏ thứ 3 đối với người nước ngoài. Thành phố này đã tăng đến 42 bậc trong bảng xếp hạng năm 2021, bởi suy thoái kinh tế nghiêm trọng và sâu rộng do sự leo thang của một số cuộc khủng hoảng, bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất của quốc gia này, đại dịch COVID-19, và vụ nổ Cảng Beirut trong năm 2020.

Trong khi đó, Bishkek, thủ đô của Kyrgyzstan được Mercer xếp hạng là thành phố ít đắt đỏ nhất đối với người nước ngoài.

Dưới đây là danh sách 10 thành phố đắt đỏ nhất đối với người nước ngoài, theo phát hiện của Mercer:

  1. Ashgabat, Turkmenistan
  2. Hồng Kông, Trung Quốc
  3. Beirut, Lebanon
  4. Tokyo, Nhật Bản
  5. Zurich, Thụy Sĩ
  6. Thượng Hải, Trung Quốc
  7. Singapore, Singapore
  8. Geneva, Thụy Sĩ
  9. Bắc Kinh, Trung Quốc
  10. Bern, Thụy sĩ

Lê Thảo (Lược dịch từ CNBC)