Một nhân cách lớn

Từng giữ các chức vụ: Phó Giám đốc Đại học Huế, Hiệu trưởng các trường: Âm nhạc Huế, Cao đẳng Âm nhạc Huế và Trường đại học Nghệ thuật Huế, PGS - nhạc sĩ Hà Sâm được biết đến là một nhà giáo mực thước và nghiêm cẩn. Ông là người đầu tiên đại diện cho chính quyền cách mạng quản lý Trường Quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ Huế từ sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975. Suốt phần đời còn lại, ông gần như sống và làm việc tại Thừa Thiên Huế với nhân cách của một thầy giáo chuẩn mực, hiền hậu.
 
Trong ký ức của các thế hệ sinh viên đã học tập với ông, PGS – nhạc sĩ Hà Sâm là một thầy giáo tinh tế, sâu sắc và rất mực thương yêu học trò. Nhạc sĩ Hoàng Bích, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam kể lại: “Những ngày đất nước mới giải phóng, nhà nhà đều gặp khó khăn. Chúng tôi đi học mà ôm theo bao nhiêu là lo toan, vất vả. May mắn nhất là chúng tôi được học với thầy Hà Sâm. Thầy đã khích lệ, động viên chúng tôi rất nhiều trong học tập, sáng tác. Thương chúng tôi nhưng thầy rất nghiêm khắc. Thầy luôn gặp từng sinh viên để trao đổi bản thảo. Tôi còn nhớ, hồi ấy, mỗi lần bản thảo của mình bị thầy gạch bỏ, tôi rất buồn. Sau này, tôi mới hiểu, sở dĩ thầy gạch bỏ vì thầy nhận thấy, nếu đầu tư thêm, tác phẩm của chúng tôi sẽ là một tác phẩm hay và thầy không cho phép chúng tôi dễ dãi với đứa con tinh thần của chính mình. Sau này, tôi đã rất biết ơn thầy vì chính sự nghiêm khắc ấy”.
 

Phó GS - NS Hà Sâm (thứ 2 từ phải sang) giao lưu cùng khán giả

Cũng là học trò của PGS - nhạc sĩ Hà Sâm, nhạc sĩ Lê Phùng, Giám đốc Nhà Văn hóa thành phố, Chủ tịch Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế cũng có rất nhiều kỷ niệm về thầy giáo của mình. Anh kể: “Lúc nào thầy cũng xem chúng tôi như con. Thầy gọi chúng tôi bằng con, xưng thầy rất tình cảm. Trong dạy học, thầy nghiêm túc và tận tình. Thế hệ sinh viên chúng tôi vô cùng kính trọng và quí mến thầy, xem thầy như là một người cha. Không chỉ học được ở thầy kiến thức, chúng tôi còn học được ở thầy cách đối nhân xử thế, lòng nhân hậu và lối sống mực thước, tinh thần sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc”.
 
“Cháy hết mình như ngọn nến”
 
Sinh năm 1935 tại Ba Tơ, Quảng Ngãi, năm 1953, PGS - nhạc sĩ Hà Sâm tham gia cách mạng ở Đoàn Văn công Liên khu 5, chơi đàn Acoocdeon và Violin. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, tiếp tục học tập ở Nhạc viện Hà Nội và đi tu nghiệp ở nhiều nước như: Bun-ga-ri, Liên Xô (cũ)... Sống xa quê mà hình ảnh quê hương với những tháng ngày thơ ấu, hình ảnh mẹ hiền luôn đau đáu trong trái tim ông. Nhiều sáng tác của ông khắc khoải nỗi nhớ quê hương như: Bản giao hưởng Ba Tơ, Gió biển ru…
 

Dàn nhạc dân tộc của Học viện Âm nhạc Huế biểu diễn các tác phẩm của PGS-NS Hà Sâm

Xem Huế như là quê hương thứ 2, ông cũng có nhiều sáng tác dành cho mảnh đất thanh bình này. Các tác phẩm tiêu biểu phải kể đến là: Xuân về trên kinh thành cổ, Chiều trên Phu Văn Lâu, Điệp khúc Phụng vũ, Bồng bềnh câu hát sáng nay...  
 
Là một người chiến sĩ, một người con của miền Nam tập kết ra Bắc, ông cũng cho ra đời nhiều ca khúc mang âm hưởng hào hùng, sục sôi ý chí chiến đấu. Ca khúc Đường hành quân hôm nay, bản hợp xướng Xin kính dâng lên Người… đã được nhiều thế hệ yêu âm nhạc biết đến. Tại chương trình nghệ thuật Gió biển ru, khán giả đã được nghe lại âm hưởng ngọt ngào, sâu lắng của các ca khúc này do chính các ca sĩ và dàn nhạc dân tộc của Học viện Âm nhạc Huế biểu diễn.
 
Phát biểu tại chương trình nghệ thuật Gió biển ru, PGS - nhạc sĩ Hà Sâm không giấu được xúc động khi nhắc tới ký ức. Gửi gắm đôi lời với thế hệ trẻ, ông nói ngắn gọn và súc tích: “Các bạn đừng bao giờ bằng lòng với chính mình. Với nghệ thuật, hãy cháy hết mình như là ngọn nến”.

Tâm Vũ