Tại buổi họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trả lời câu hỏi về đề Ngữ văn không phù hợp với thực tiễn, PGS.TS Mai Văn Trinh khẳng định: "Đề thi Ngữ văn năm nay vừa sức, không đánh đố và bám sát đề thi tham khảo đã công bố, không có nội dung nào thuộc chương trình giảm tải”.
Trước đó, những vấn đề của đề thi Ngữ văn được bàn tới tại một diễn đàn về giáo dục. Cụ thể, có ý kiến cho rằng "Masaru Emoto là một tác giả ngụy khoa học, bạn có thể nhanh chóng tìm thấy thông tin này thông qua vài thao tác căn bản của Google. Emoto là người cho rằng "ý thức của con người có thể ảnh hưởng tới cấu trúc của dòng nước". Nhưng người nào ra đề đã đặt ra các câu đầy tính khoa học sau: "Theo đoạn trích, sự ra đời của dòng sông diễn ra như thế nào?”".
Tài khoản này cũng cho rằng: “Sự ra đời của dòng sông thì bạn đọc tài liệu khoa học, chứ sao lại theo đoạn trích nửa mùa này? Hay văn chương là nơi người ta phải hiểu mọi thứ khác đi so với sự thật, chỉ cần "theo đoạn trích" là đủ? Cách đặt câu hỏi thực sự có vấn đề”.
Cũng ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi thành phần của tổ hợp Khoa học tự nhiên được đánh giá khó hơn đề thi tham khảo, không phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, PGS.TS Mai Văn Trinh khẳng định: “Mức độ khó dễ của đề thi không có gì bất ngờ vì việc đánh giá còn phụ thuộc vào chủ quan con người. Đề thi được ra theo ma trận, người ra đề xác định mức độ khó dễ theo ma trận đó. Ma trận được xây dựng trên cơ sở phù hợp mục tiêu của kỳ thi, có số lượng số lượng câu hỏi khó - dễ. Phải đến khi có kết quả của kỳ thi thì mới có những đánh giá cụ thể được”.
Theo Tin tức TTXVN