Xe buýt không trợ giá Phương Trang đang hoạt động hiệu quả ở địa phương
Theo Sở Giao thông vận tải, đề án điều chỉnh mạng lưới giao thông công cộng trên địa bàn thể hiện quan điểm dần dần tiến đến chấm dứt hoạt động loại hình vận tải hành khách tuyến cố định, duy trì loại hình xe buýt. Theo đó, sẽ có 15 tuyến buýt; trong đó có 2 tuyến buýt liên tỉnh, 1 tuyến được vận hành theo hai nhánh, mở mới 2 tuyến và dừng hoạt động 3 tuyến.
Nhiều ý kiến ban ngành địa phương cho rằng, đề án trên đã tiếp cận được nhiều điểm phát sinh mới, thu hút lớn như các trường học, trung tâm hành chính, thương mại, khu dân cư và cụm công nghiệp. Mức độ tuyến được bao phủ so với hiện trạng; mức độ trùng tuyến cũng giảm đáng kể so với hiện nay. Nhiều ý kiến đề nghị đầu tư đổi mới hạ tầng phục vụ, nhà chờ điểm đỗ, điểm quay đầu; phương tiện đầu tư mới, ứng dụng công nghệ hiện đại; tài xe, nhân viên phục vụ giao tiếp văn minh lịch thiệp... vì hiện còn tồn tại một số xe buýt đang hoạt động ở địa phương quá cũ, lạc hậu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đánh giá cao đề án, tuy nhiên đã lưu ý các nguyên tắc trong việc thiết kế mạng lưới vận tải hành khách công cộng, nhất là xe buýt cần phải cấu trúc đơn giản và ổn định; dễ dàng trung chuyển, không trùng tuyến, có kết nối liên vùng cao, giảm ùn tắc xung đột giao thông. UBND tỉnh giao cho ngành chức năng cùng đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu cứu khảo sát, điều chỉnh tối ưu hóa hành trình các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn một cách hợp lý khi diện tích TP. Huế đã được mở rộng lên gần 4 lần so với trước đó... Trên cơ sở đó, xây dựng cơ chế chính sách mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia thực hiện đồng bộ hạ tầng, thiết bị, phương tiện hiện đại... sớm đưa hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt vào hoạt động ổn định chậm nhất vào cuối năm 2022.
Tin, ảnh: Minh Văn