Am thờ liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc vẫn còn đây, trên nền mộ, còn giữ nguyên dấu cũ. 

Tôi theo chị Thanh về đến xóm Triêu, thôn Đầu Kênh, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị vào một trưa tháng 7.

Mùa nhãn vừa chín, chị Thanh rủ tôi ra vườn hái quả. Chị bảo tiếng chim cu gù nơi bờ tre sau nhà là thanh âm khiến chị nhớ nhà nhiều nhất. Nhất là khi gió Lào thổi xào xạc miên man bất tận thổi qua vườn chị, bay qua cánh đồng Bàu Phạm ra phía biển Cửa Việt. Ngôi nhà chị trong gió như chiếc võng man mác tay đưa, ngỡ như giăng mắc đâu đây tiếng mẹ ru hời vọng về sau bao năm tháng.

Cây nhãn vừa xanh lại một góc vườn, ở những cành la đà bên dưới, quả chín ngang tầm tay với. Loáng một chút, chị em tôi đã hái đầy nón.

Ngó lung sang khu vườn phía đông, chị Thanh nói bằng giọng trầm nhẹ:

- Em biết không, cách hai mảnh vườn nữa là nơi chôn cất anh Nguyễn Văn Thạc, ngay sau lúc anh hy sinh đó.

- Dạ, rứa chiều chị dẫn cho em qua thăm nha chị.

Tôi bỗng nghe lòng chộn rộn, xốn xang.

Đã lâu rồi, kể từ sau khi đọc cuốn nhật ký “Chuyện đời” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc được Đặng Vương Hưng biên tập, in thành tác phẩm nổi tiếng “Mãi mãi tuổi hai mươi”, tôi đôi khi vẫn cố hình dung cụ thể nơi anh ngã xuống, đâu như bên bờ sông Thạch Hãn. Nên khi nghe chị nói, lòng bỗng bâng khuâng khó tả. Cơ hồ như nhận được một món quà thiêng. Vì đã đến được một trong những nơi, lòng tôi muốn tìm đến trên mảnh đất Quảng Trị từng oằn mình trong máu lửa, mất mát hy sinh.

Đợi nắng vừa chớm qua chiều, tôi rủ chị qua vườn nhà hàng xóm.

Con ngõ nghiêng nghiêng chạy ra phía cánh đồng. Hoa tử vi nhà ai nở tím bàng bạc bên cánh lúa đương thì con gái. Cây rơm vàng, bờ rào hoa dâm bụt đỏ, hoa nắng lao xao làm mềm con đường nồng khô xứ hạ. Nhìn xa tầm độ hơn 200m về hướng đông bắc, là con lộ chiến trường khốc liệt xưa. Con đường ấy ngày đó Mỹ làm để chuẩn bị xây cảng Quân sự Cửa Việt, xe có thể chạy từ thị xã Quảng Trị về Cửa Việt.

Sau 1975 gọi là đường 14, theo bản đồ hành chính. Nay gọi là đường quốc lộ 49C, giờ là đường 49. Con đường chạy về phía Cửa Việt bây giờ rất đỗi bình yên, thơ mộng. Có vài ngôi mộ cổ yên lặng giữa đồng xanh nên ngỡ như chiến tranh chưa hề đi qua, từng cày nát sự sống chốn này.

Dừng chân trước một ngôi nhà nhỏ, thâm thấp còn đậm nỗi nghèo, dù đã có nhiều dấu vết từng được sửa sang, chị Thanh kể, ngay tại ngôi nhà nho nhỏ này có nhiều kỉ niệm không thể quên với riêng nhà chị. Hồi đó, cái sập đựng lúa gạo, tài sản duy nhất của nhà O đây, từng là nơi chở che ba chị. Có lần, có kẻ tìm đến đòi mở sập, truy tìm Việt Cộng, O đã nhanh trí tri hô đòi bắt kẻ trộm, khiến hắn ta không còn mặt mũi nào, nhất thời lùi bước. Lúc đó, ba chị đã sẵn sàng trong tư thế một mất một còn với kẻ thù.

Vậy đó, chỉ tích tắc thôi, người cán bộ cách mạng, quyền bí thư Đảng uỷ tỉnh Quảng Trị, hoạt động bí mật trong vùng tạm chiếm có thể đã sa vào tay giặc, nếu không có tấm lòng dân che chở. Người ấy là người chị họ của ông, bà nội cháu của Thắng bây chừ.

Người O đáng kính, giờ chừ đã mây trắng trời quê.

Cổng cửa bỏ ngỏ, chị Thanh cất tiếng gọi. Anh con trai, mặt mũi tươi cười không biết từ đâu chạy về, hớn hở chào chị. Biết lý do chúng tôi đến đây, anh dẫn liền ra phía sau nhà, qua gần hết vườn sau, đến chỗ anh Thạc từng nằm lại. Mộ anh nằm cạnh bờ tre này, cách một con mương, tiếp giáp với cánh đồng Bàu Phạm, chiến trận ác liệt năm xưa. Giờ lúa lên xanh, bàu nước lấp lánh êm đềm, sáng như gương.

Kể từ năm 1977, mộ anh Thạc được người thân đưa về nghĩa trang Từ Liêm, Hà Nội quê hương anh, nơi đây không có mấy người đoái thăm nữa.

Nhưng am thờ liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc thì vẫn còn đây, trên nền mộ, còn giữ nguyên dấu cũ. Nghiêm trang trong hoang hoải. Nhưng trong am vẫn có hoa và gói bánh đậu quê dâng cúng. Ảnh anh Nguyễn Văn Thạc còn đây. Người con trai trong ảnh trẻ mãi với tuổi 20.

Thắng nói, mạ lập am cúng xưa chừ. Mạ mất, anh thay mạ khói hương nhưng không được như khi mạ còn sống. Anh cười, gãi gãi tóc, châm mấy que hương đưa cho tôi cắm lên am. Ngó vẻ chân thật, tồi tội. Sau hỏi chị Thanh mới biết Thắng là cháu nội của O, con trai của người chị dâu đáng kính, vẫn chưa vợ con chi. Giờ chỉ thích trồng hoa trong vườn nhà.

...Tôi nhìn mãi vào cây chuối gầy guộc, đang ra hoa, cả buồng chuối chỉ đậu được vài quả, dáng nghiêng che bên am.  Tự nhiên, nghe tim mình nhói đau, nước mắt âm thầm chảy.

Tôi đứng lặng người, đau vết thương của anh Thạc và đồng đội anh, như thể vừa mới chứng kiến cuộc chiến khốc liệt vào ngày 30/7/1972. Tất cả cứ hiển hiện như một thước phim quay chậm, cận cảnh...

Thoảng một cơn gió nhẹ từ ngoài cánh đồng thổi ngược vô vườn, xào xạc trên bờ tre xanh, mát nhẹ trên tóc, khiến cho tôi có cảm giác như vừa được an ủi.

Tôi ngẩn ngơ ngó mãi ra ngoài cánh đồng. Cuộc chiến đã ngấm sâu vào đất, hoà bình đã trở lại gần nửa thế kỉ mà sao lòng khó nguôi ngoai. Anh Thạc cùng đồng đội giờ có người đã về lại được đất quê nhà yêu quý, người được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ. Tôi biết vậy, mà vẫn thấy quanh đây bao nụ cười, tâm hồn người lính trẻ ở lại trong tiếng chim gù dưới nắng, bờ tre xanh, cánh đồng xanh, mặt nước Bàu Phạm lấp lánh. Những đôi mắt thanh xuân vẫn đăm đăm nhìn về phía trước, dõi theo con đường ra Cửa Việt, giữ yên bờ cõi mãi ngàn sau.

Chị em tôi kính cẩn thắp nén hương dâng linh hồn anh Thạc cùng đồng đội anh, những người từng gửi lại sự sống, máu xương trên mảnh đất này. Cảm giác gần gũi như đang thắp hương cho người thân của mình.

Tôi khấn anh mà thật ra là đang thì thầm, anh Thạc ngủ đi, ngủ ngon nha! Tre lúa chuối vườn vẫn sẽ hát ru anh như ngày nào. Ao ở Bàu Phạm cũng giống ao nhà cô Tơ với những trò chơi đám cưới thuở nhỏ của anh đó, sẽ vẫn nở loài hoa anh hằng nhớ.

Chị Thanh ngó chi hoài ngoài cánh đồng. Tôi nhìn ra ngoài  nắng, thấy sóng lúa đuổi nhau mê mải. Lòng bỗng vui lên, thêm một lần cảm nhận sâu sắc được ý nghĩa thiêng liêng của sự hy sinh của thế hệ cha anh.

Chị Thanh quay lại, mỉm cười. Chị nói, rồi chị sẽ về lại, trồng sen trên hồ Bàu Phạm, cố gắng sao để xin đưa nước máy về, quê chị người dân vẫn còn phải dùng máy bơm. Chị sẽ dùng tiền phúng điếu ba chị để tôn tạo thêm con đường ba chị đã làm cho dân xóm đi.

Tôi muốn cảm ơn vì những trăn trở, mong muốn thảo thơm của chị. Những gì chị tâm sự là điều người dân chốn này đang trông mong. Như tôi đang ước giá như nơi anh Thạc trở thành... NGÕ TRƯỚC, nơi có một vườn hoa xinh cho các cháu thanh thiếu niên sinh hoạt, vui chơi... nhưng tôi im lặng để giữ lại cái cảm giác hạnh phúc được thấy mình bé nhỏ trước chị.

Gió vườn xào xạc như tiếng người xưa về vui trên lá.

Từ biệt nơi chất chứa nhiều nỗi niềm, đi qua vườn chuối đã nhiều xác xơ vì nắng, chúng tôi cùng trở ra ngõ trước.

Biết từ nay lại thêm thương nhớ một ngõ sau, rời rợi lặng im trong xanh...

Anh Thạc ơi, trời nơi đây vẫn xanh như màu xanh trên áo người con gái anh hằng yêu quý, phải không anh.

Vẫn biết, mỗi một thước vuông đất Quảng Trị, bất cứ ở nơi nào,đều đã thấm máu bao người, tất cả được xây cất đàng hoàng trang nghiêm, mà sao đến được nơi đây, lòng tôi vẫn nhiều xốn xang,xúc động đến thế.

Hẳn rằng,những dòng nhật ký của anh, người con trai giải nhất môn Văn toàn miền bắc ngày ấy, đã khắc hoạ lịch sử tâm trạng, chân dung tâm hồn của cả một thế hệ sinh viên ra trận đẹp bi tráng, thực sự đã làm giàu có bao cảm xúc thiêng liêng trong tôi. Ôi những trang nhật ký quý như sự sống của đất nước tôi một thời lửa đạn.

Tôi thêm một lần cảm nhận sâu sắc hơn sự bất tử của những người đã giản dị hiến tuổi xuân của mình cho nhân dân, đất nước yên bình.

Tôi nhớ ngôi nhà, nhớ những người con gái xóm Triêu xưa chưa một lần biết mặt, biết tên. Những tấm lòng như lũy làng kiên cường, thảo thơm qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bảo vệ Tổ Quốc.

Thực sự:

“Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng chính họ đã làm ra đất nước”

(Nguyễn Khoa Điềm)

Tôi viết dòng này vào sáng nay, 27/7/2021, là nén tâm nhang kính dâng lên anh Thạc, kính dâng lên anh linh thế hệ cha anh, một thế hệ tuyệt đẹp không tiếc máu xương hiến dâng Tổ Quốc.

Triền Thảo