- Chắc do người ta giàu có, ăn sung mặc sướng nên sống lâu.
- Không. Là do người ta ăn sạch. Họ kỹ đến mức sang Việt Nam đặt mua từng cái trứng cút, từng quả xoài, từng quả thanh long…Phải trồng, hái, bảo quản theo tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn kia. Sạch một “chăm phần chăm”. Quả trứng cút thì lòng đỏ phải đỏ đủ độ, chứ vàng một tý cũng không mua. Họ chăm bẳm sức khỏe người dân của mình tốt đến rứa nên không khỏe, không thọ lâu mới lạ.
- E cũng có lý nhưng chưa đủ. Người Nhật sống tốt có lẽ do họ hay cười. Như mấy chuyên gia Nhật sang Huế giúp làm gốm ở làng cổ Phước Tích của ta đó. Đi giúp người khác, giúp không công mà cười nhiệt tình. Cười hoan hỉ. Cười từ đầu đến cuối. Cười không biết mỏi miệng. Hèn chi mà sống lâu bởi cha ông xưa nói rồi: Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.
- Nụ cười đúng là tốt như vậy, lại không mất tiền mua mà sao dân xứ mình tiết kiệm nụ cười qúa. Đến chỗ càng quan trọng, càng cần kíp, càng hiếm nụ cười.
- Mà nụ cười đâu chỉ tốt cho sức khỏe. Nó còn là chất bôi trơn cho cả sự phát triển của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Khi người ta cười nhiều, tức là người ta hài lòng với cuộc sống, hài lòng với công việc, nên ra sức cống hiến.
- Ừ ha. Cho nên bước sang năm 2015 này, một khẩu hiệu được đưa ra cho các công sở, cơ quan là phải thân thiện. Phải cười nhiều hơn.
- Thậm chí một vị lãnh đạo ở Đồng Tháp, đã nói cứng là: Nếu công chức nào không biết cười thì đi làm việc khác. Cán bộ công chức phải ý thức rằng mình phục vụ dân vô điều kiện, phải biết cười, niềm nở, tận tâm, tận tụy.
- Sáng kiến hay. Nhưng với thực trạng của chúng ta hiện nay, muốn cười được, không khéo phải gắn camera giám sát, nhắc nhở.
Kim Oanh