Tiêm chủng rộng rãi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng cho các nền kinh tế Thái Bình Dương vào năm 2022. Ảnh minh họa: Getty Image 

Sau khi sụt giảm 5,8% trong năm 2020 do các tác động của đại dịch COVID-19, nền kinh tế của 14 quốc gia thành viên đang phát triển ở Thái Bình Dương (DMC) được dự báo sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm nay, và tăng lên 4,0% vào năm 2022. Mức tăng trưởng dự kiến ​​này dựa trên triển vọng của Papua New Guinea nền kinh tế lớn nhất của tiểu vùng, nơi dự kiến ​​sẽ phục hồi khiêm tốn trong năm nay trước khi tăng vọt vào năm 2022.

Dự báo vừa được đưa ra cho năm 2021 thể hiện sự sụt giảm nhẹ so với Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2021 công bố hồi tháng 4, phần lớn do tác động của đại dịch COVID-19 đang diễn ra ở Fiji, cũng như sự trì hoãn trong kế hoạch mở lại một phần biên giới của Vanuatu. Theo đánh giá của các chuyên gia ADB, tăng trưởng trong tương lai sẽ chịu sự chi phối của tình hình dịch bệnh, việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và khả năng duy trì sự điều phối quốc tế về kích thích tài chính.

“Các bong bóng du lịch an toàn được kỳ vọng sẽ góp phần vào tiến trình phục hồi dần dần ở Thái Bình Dương và mang lại hy vọng cho một số nền kinh tế nhỏ hơn, phụ thuộc nhiều vào du lịch của khu vực”, Tổng giám đốc ADB phụ trách khu vực Thái Bình Dương Leah Gutierrez cho biết. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc tiêm chủng rộng rãi, cả trong các nền kinh tế Thái Bình Dương và các đối tác kinh tế lớn của khu vực này, sẽ “đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2022”.

Hiện tại, các hoạt động du lịch đến các quốc gia Thái Bình Dương phần lớn vẫn đóng cửa, với lượng khách trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2021 giảm 100% so với cùng kỳ năm 2020. Một số điểm đến ở Thái Bình Dương đang tìm kiếm các chương trình “bong bóng du lịch” phù hợp như một công cụ để hồi sinh ngành du lịch đã chịu nhiều tổn thất do đại dịch.

Bảo Nghi (Lược dịch từ ADB)