Mừng vì Nhà nước làm đường thì ai cũng biết. Nó thuận tiện cho đi lại. Có hệ thống thoát nước, hạn chế ô nhiễm môi trường… và một phần nữa, nó làm tăng giá trị đất đai người dân đang sử dụng khi có giao dịch. Nhà đường rộng, tốt chắc chắn có giá hơn nhà đường hẹp, nền đường không tốt…

Nhưng lo thì cũng thật là lo.

Cái lo thứ nhất là tiến độ chậm. Có những con đường chậm không thể tưởng tượng được. Chậm có nhiều nguyên nhân: giải tỏa đền bù chậm; nhà thầu năng lực thi công yếu kém. Và cũng có thể chậm do thiếu kinh phí. Và những ảnh hưởng do chậm là người dân “lãnh đủ”. Người đi đường đã khổ. Người sống hai bên đường càng khổ hơn. Bụi là một việc. Một quán bún, một quán cà phê đang bán ngon lành, đường làm, có những con đường kéo dài đến mấy năm, vậy là khách rơi rớt dần. Trong thời buổi cạnh tranh, đôi khi khách đi quán khác sẽ hình thành một thói quen nơi khách. Có thể khi quán mở lại, sẽ mất một thời gian dài mới có khách trở lại. Chuyện làm đường là chuyện đương nhiên, và nếu nhà làm đường đặt mình vào vị thế của người dân thì chắc chắn sẽ có một cách tính toán khác, một cách làm khác. Không “rục rà rục rịch” như nhiều con đường đã từng làm.

Cái lo thứ hai là chuyện cốt nền. Trong quy hoạch, xây dựng, bao giờ cũng có quy định cốt nền. Nghĩa là khu vực này cốt nền cao bao nhiêu, để ít nhất là tránh ngập lụt. Con đường kia cốt nền cao bao nhiều để đường phố bằng phẳng đẹp đẽ và dễ kết nối các công trình với nhiều khu vực khác… Không ít con đường ở Huế, không biết tính toán và quy định cốt nền như thế nào mà sau nhiều lần duy tu sửa chữa hoặc làm mới, nhà dân cứ trụt sâu dưới nền đường. Thiệt hại nơi người dân thì đã rõ, sửa một vài thứ thì còn khả dĩ , đây cả cái nhà thì làm sao nâng lên !? Cứ đi nhiều đường phố mà xem, có nhà hiện tại sâu đến nửa mét so với mặt đường.

Một vấn đề nữa, khi cấp phép xây dựng rồi thì ai giám sát chuyện cốt nền. Vấn đề này đang giao cho các phường xã ? Mà cán bộ phường xã, vấn đề trình độ nghiệp vụ còn hạn chế, nên vấn đề này chưa được giám sát chặt chẽ. Người dân muốn làm cao thấp bao nhiều là tùy. Ở đây có một vấn đề, nhiều người nói, quan điểm của dân mình là thế, nhà làm sau bao giờ làm nền cũng “gắng” cao hơn nhà bên cạnh làm trước. Nhưng theo tôi, có một khía cạnh khác, là người dân “cảnh giác” với chuyện làm đường, cứ mỗi lần sửa đường là mỗi lần nền đường cao thêm, nên người dân cứ làm trừ hao trước là vừa (!?)

Cứ đi quan sát nhiều tuyến đường mà xem, cốt nền nhà cao thấp cực kỳ “lổn nhổn”.

Sáu Lê