Số vụ cướp biển và cướp tàu có vũ trang đã tăng gần 20% trong nửa đầu năm 2020. Ảnh: Sputnik

Các mối đe dọa ngày càng tăng

Theo bà Viotti, các sự cố ở châu Á đã tăng gần gấp đôi, trong khi Tây Phi, eo biển Malacca và Singapore, Biển Đông, là những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đồng thời, mức độ mất an ninh “chưa từng có” ở Vịnh Guinea, cũng như ở Vịnh Ba Tư và Biển Ả Rập gần đây, cũng đặc biệt đáng lo ngại.

“Những mối đe dọa ngày càng gia tăng và liên kết với nhau này đòi hỏi một phản ứng toàn cầu và tích hợp thực sự. Đó phải là một phản ứng giải quyết trực tiếp những thách thức này cũng như nguyên nhân gốc rễ của chúng, bao gồm nghèo đói, thiếu sinh kế thay thế, mất an ninh và cơ cấu quản trị yếu kém”, bà Viotti nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, an ninh hàng hải cũng đang bị hủy hoại bởi những thách thức trên ranh giới và các tuyến hàng hải, và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên do đánh bắt bất hợp pháp hoặc không được báo cáo.

Chánh văn phòng Tổng thư ký LHQ cũng cho rằng phiên họp này là một cơ hội để thúc đẩy hơn nữa các hành động toàn cầu về một vấn đề quan trọng nhưng phức tạp, vì tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng, cho dù ở ven biển hay đất liền.

Là vấn đề toàn cầu

Đại diện quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an tháng này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định các đại dương là “điểm chung” của mọi quốc gia trên toàn cầu và là “huyết mạch” của thương mại quốc tế. LHQ ước tính hiện có hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới, chủ yếu ở các nước đang phát triển, phụ thuộc vào đại dương để kiếm sống.

Tuy nhiên, ngày nay di sản biển chung này đang phải đối mặt với nhiều loại mối đe dọa khác nhau, từ các tuyến hàng hải đang bị sử dụng sai mục đích cho cướp biển và khủng bố, những tranh chấp hàng hải giữa một số quốc gia… cho đến biến đổi khí hậu, thiên tai cũng là thách thức đối với lĩnh vực hàng hải.

Trong bối cảnh đó, bà Viotti đề cao vai trò của các công cụ pháp lý duy trì an ninh hàng hải, chẳng hạn như Công ước LHQ về Luật Biển. “Nhưng khuôn khổ này chỉ mạnh khi các quốc gia cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả. Vì vậy, chúng ta cần biến cam kết thành hành động”, bà kêu gọi.

Chánh văn phòng Tổng thư ký LHQ khuyến khích Hội đồng Bảo an hành động theo hướng thực hiện khuôn khổ pháp lý liên quan, xây dựng năng lực, mở rộng quan hệ đối tác và thúc đẩy ứng phó phòng chống tội phạm, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải giảm thiểu các điểm yếu dễ bị lợi dụng.

Tham dự phiên thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính cũng đưa ra những đề xuất quan trọng để ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển, trong đó nhấn mạnh, an ninh biển là vấn đề toàn cầu nên cần có giải pháp toàn cầu.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ CNA, NHK & Reuters)