Lúc ấy, nghệ nhân Minh Mẫn và Thanh Hương ngồi trên ghế. Nom hai cụ thật hiền trong bộ bà ba và gương mặt như giãn ra khi lắng nghe từng câu hát, làn điệu. Những ngón tay tuổi tác gõ gõ theo từng âm điệu và đôi khi chững lại khi ai đó lạc phách. “Chỗ ni phải hát như ri, lấy hơi như ri…” và những người trẻ hơn quay lại hỏi “Con ca rứa được chưa mệ ngoại? Đoạn nớ lấy hơi răng cho khỏi đứt mệ hè?”… Những lúc như thế, hai nghệ nhân lại say sưa bày vẽ cho lớp trẻ, thậm chí là cất giọng ca lại một điệu hò dù giọng đã không còn thật sự khoẻ. Có lẽ, đó là lần đầu tiên tôi thấy hai nghệ nhân hào hứng hơn nhiều so với nhiều cuộc gặp gỡ, trò chuyện trước đó. Nhất là khi tôi ngồi nép xuống một bên chiếu hát, cùng mọi người im lặng khi mệ Mẫn và mệ Hương ca điệu mái nhì và cổ bản. Cái ấm áp trong ánh mắt và điệu hò cũng nguyên xưa ở những giọng ca “muôn năm cũ” đã nhen lửa không chỉ cho cảm xúc mà cả những tiếp nối mới để ca Huế được tiếp tục như một dòng chảy.

Thế nên, tôi cũng đã cảm thấy xót xa quá đỗi khi đặt vấn đề trong một buổi giám sát về hoạt động văn hoá nghệ thuật tại Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch, chị Phạm Thị Bích Thuỷ, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh đã chia sẻ về “những điều trông thấy” khi khách xuống thuyền có thái độ không thật sự hay ho khi được những nghệ nhân đã có tuổi phục vụ. Tôi cũng nghĩ, chắc hẳn các nghệ nhân cũng đau lòng lắm khi phải đối diện với những vị khách xuống thuyền lớt phớt nghe ca Huế chứ không phải vì một di sản văn hoá phi vật thể…

Thế nên, đã đến lúc phải xác lập lại và xác lập tốt hơn những không gian biểu diễn cho các nghệ nhân, để các nghệ nhân được ca cho những ai thực sự muốn nghe, muốn hiểu và yêu ca Huế… với tất cả sâu thẳm của nó. Và đó mới chính là những không gian đích thực không chỉ cho nghệ nhân, ca sĩ mà còn cho cả những cảm hứng được trao truyền và tiếp nối trong dòng chảy văn hoá bất tận…

Nguyễn An Nhi