Nếu cam kết này thành hiện thực, đây là chuyến đầu tiên và tuyến đầu tiên bay quốc tế với tư cách là Sân bay quốc tế Phú Bài. Nói như thế là vì, cách đây 10 năm, Sân bay Phú Bài cũng có 2 chuyến bay quốc tế đầu tiên cất cánh từ Phú Bài đến Xiêm Riệp (Campuchia) và ngược lại. Hy vọng hai lần bay này sẽ khác nhau về hiệu quả, ở mấy điểm sau:
Thứ nhất: Đó là sự khác nhau về vị thế. Cách đây 10 năm, sân bay Phú Bài chỉ là một sân bay nội địa. Điều kiện sân bay và điều kiện kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế lúc đó khác xa bây giờ.
Thứ hai: Là cách thức tổ chức. Về mục tiêu cả hai lần bay là giống nhau, là tìm kiếm cơ hội phát triển du lịch Thừa Thiên Huế, (ít nhất là trong ý định). Tôi còn nhớ, mục tiêu của lần bay trước là ý định khai thác khách du lịch trong sự kết nối 3 cố đô - Cố đô Huế - Cố đô Xiêm Riệp - Cố đô Luongphrabang. Ý định là thế nhưng 2 chuyến bay cách đây 10 năm vừa nói, không hiểu tại sao chỉ kết nối giữa Huế và Xiêm Riệp, không thấy kết nối Luongphrabang ? Nhưng khác nhau là ở chỗ, hai chuyến bay nói trên phần lớn thành phần tham gia là quan chức, lãnh đạo các ban ngành, địa phương chứ không phải với tư cách là du khách thực thụ. Và dĩ nhiên kinh phí cho chuyến bay là từ ngân sách Nhà nước. Có lẽ không tìm thấy hiệu quả nào, hay do cách tổ chức nên ý định thì lớn lao nhưng chỉ bay được 2 chuyến nói trên rồi không thực hiện nữa, từ đó đến nay. Chuyến bay vào đầu tháng 3 tới của Công ty NewGen Airways (Thái Lan) là một tuyến bay chuyên phục vụ cho khách du lịch. Và như thế, hiệu quả được đặt lên hàng đầu. Và NewGen Airways cũng đưa ra một cam kết rõ ràng, công ty sẵn sàng bù lỗ trong một năm. Có duy trì nữa hay không là tùy thuộc vào kết quả và sự đánh giá hiệu quả.
Thứ ba: Là điều kiện kinh tế - xã hội. So với cách đây 10 năm, lượng khách du lịch quốc tế đến Huế đã tăng rất cao. Các điều kiện kinh tế xã - hội khác cũng đã có những thay đổi đáng kể. Ví dụ ở lĩnh vực đầu tư nước ngoài, Huế cũng thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp FDI. Nghĩa là có một lượng khách làm việc ở khu vực này đến Huế và ngược lại, dù có đi bằng đường hàng không trực tiếp đến Huế hay không. Ở lĩnh vực du lịch, có thể Khu du lịch đẳng cấp quốc tế Byantree của Singapore đầu tư ở Cù Dù, Phú Lộc là một đòn bẩy khác thu hút khách du lịch quốc tế. Và những du khách này cũng rất cần các đường bay trực tiếp. Có thể cơ hội chưa nhiều nhưng dù sao nó cũng đã mở ra. Vấn đề là du lịch Huế đón nhận và phát triển như thế nào?