Tôi chợt nhớ tới Cửu vị thần công khi mới đây gặp lại anh bạn thân là Tiến sĩ Sử học, từng là bạn học ở Huế, đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Bạn bè chuyện trò lâu ngày gặp nhau hàn huyên vui vẻ, bất chợt anh hỏi: “Lâu nay có xem đón chào năm mới của Bà Rịa - Vũng Tàu bằng nghi thức bắn súng thần công không?”. Rồi không dấu diếm, anh khoe luôn: “Kịch bản là của mình đó. Mỗi lần bắn là phải trả tiền bản quyền cho mình. Nhớ nhắc kẻo quên”. Thì ra là thế. Điều lạ ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nghi thức bắn súng thần công chỉ mới ra đời nhưng đã là một phần không thể thiếu của nhiều lễ hội nới đây. Là tác giả của kịch bản, anh bạn tôi nói đùa mà cũng là thật đó. Cái lý của Bà Rịa - Vũng Tàu khi tổ chức nghi lễ bắn súng thần công nằm ở chỗ, trong những đầu thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, vũng biển Vũng Tàu được xem là một trận địa khốc liệt của cả nước. Nơi đây, hiện còn lưu lại nhiều dấu tích mà tiêu biểu nhất là trận địa pháo cổ lớn nhất Đông Dương nằm trên núi Lớn và núi Nhỏ.

Trở lại với Cửu vị Thần công ở Đại Nội. So với những khẩu thần công đem ra chiến trường như ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Cửu vị Thần công là những “anh lính kiểng”. Chuyện kể rằng, xưa dân kinh đô Huế ai đi qua trước súng cũng phải ngã nón cúi chào vì súng có “uy dũng ngang với thần linh”. Tạp chí B.A.V.H chép rằng, vua Tự Đức một hôm định đưa Cửu vị Thần công ra chiến trường. Quan quân đã cột ngựa rất mạnh để kéo, nhưng súng không hề nhúc nhích! Vua nổi giận viết bức thư với lời lẽ kiên quyết, cho quan triều đem đọc trước Thần công: “Nếu Ngài không chịu tham chiến thì đích thân Trẫm sẽ đến phạt trượng và Ngài sẽ mất hết chức tước…’’. Sau khi tuyên đọc thư, tự nhiên ngựa kéo súng bỗng rất nhẹ nhàng.

Thật ra dưới triều Tự Đức cũng có đúc 9 khẩu súng Thần công khác giống với Cửu vị Thần công nhưng nhỏ hơn chút ít đặt ở bên phải Ngọ Môn. Chín khẩu súng này được điều vào tham chiến ở Gia Định, Sơn Trà (Đà Nẵng), Thuận An (Huế). Còn các khẩu đúc thời Gia Long vẫn đặt ở chỗ cũ. Không nghe nhắc tới Bà Rịa - Vũng Tàu!

Theo Giáo sư H. Lebris trong B.A.V.H, tuy cho tận đến đời Tự Đức, vẫn chưa một lần sử dụng để bảo vệ Hoàng Thành, nhưng Cửu vị Thần công cũng nhiều lần được dùng để bắn các phát súng lệnh ở kinh đô khi diễn ra các lễ cung đình như Tế Nam Giao, hay vào dịp Tết. Năm 2012, cùng với Cửu đỉnh đều thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và Đại hồng chung chùa Thiên Mụ, Cửu vị Thần công được Hội đồng Di sản quốc gia công nhận là báu vật quốc gia. Để tưởng nhớ và tri ân, năm ngoái tại Đại Nội đã diễn ra lễ tế Cửu vị Thần công theo đúng nghi thức cung đình xưa. Một hàng quân lính cầm giáo, ăn mặc chỉnh tề bao quanh các khẩu súng. Trong khói hương nghi ngút và tiếng nhạc, chuông, bài tế lễ, nghi lễ dâng hương và bắn tượng trưng bằng pháo ở 9 khẩu súng. Đây là lần đầu tiên sau hàng trăm năm, lễ tế súng được tái hiện lại nhằm duy trì một phong tục xưa mà triều đình triều Nguyễn hằng giữ gìn.

Biết chuyện, tôi bỗng có thêm một ước ao, rằng giá như cũng như Bà Rịa - Vũng Tàu, vào dịp Tết sắp tới đây hay Festival Huế, người ta khai hỏa cho Cửu vị Thần công như một nghi lễ mở đầu. Hay một lễ hội vùng biển của Huế như “Thuận An biển gọi” có thêm phần lễ bắn súng thần công, gợi nhớ trận chiến của biển Thuận An bi hùng vào năm 1883 cũng như chiến thắng 40 năm trước trong đại mùa xuân 1975.

Đan Duy