Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch thành phố an toàn nhất thế giới. Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN

Điều này có thể giúp giải thích cho sự thay đổi đáng chú ý ở vị trí dẫn đầu của Chỉ số các thành phố an toàn (SCI) của Nhóm nghiên cứu Economist Intelligence Unit, trong đó xếp hạng 60 điểm đến quốc tế về an ninh kỹ thuật số, an ninh y tế, cơ sở hạ tầng, an ninh cá nhân, cũng như an ninh môi trường, một hạng mục mới trong bảng xếp hạng năm nay.

Trong khi các thành phố ở khu vực châu Á như Tokyo, Singapore và Osaka liên tục giữ những vị trí dẫn đầu từ năm này qua năm khác, thì một điểm đến ở châu Âu đã nắm lấy vị trí số 1 trong năm nay.

Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch lần đầu tiên được vinh danh là thành phố an toàn nhất thế giới, khi đạt 82,4 điểm trên thang điểm 100 trong báo cáo thường niên năm 2021. Thành phố Copenhagen đã tăng hạng từ vị trí thứ 8 trong năm 2019 lên đứng đầu danh sách; phần lớn nhờ vào việc triển khai hạng mục về an ninh môi trường, trong đó, thành phố này đạt điểm đặc biệt tốt, cùng với hạng mục an ninh cá nhân.

Sự gắn kết xã hội

Phát biểu trong báo cáo nói trên, ông Lars Weiss, Thị trưởng Copenhagen cho rằng: “Một yếu tố quan trọng khiến Copenhagen trở thành một thành phố an toàn là tỷ lệ tội phạm thấp, hiện đang ở mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Bên cạnh đó, Copenhagen cũng được đặc trưng bởi sự gắn kết xã hội tuyệt vời, và khoảng cách giàu nghèo tương đối hẹp”.

Tiếp đó, thành phố Toronto của Canada được xếp hạng ở vị trí thứ 2, với 82,2 điểm; trong khi Singapore đứng thứ 3, với 80,7 điểm. Mặc dù thành phố Sydney của Australia đứng ở vị trí thứ 4, với 80,1 điểm, thành phố này đã dẫn đầu trong hạng mục an ninh kỹ thuật số.

Trong khi đó, thành phố từng giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng năm 2019 là thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã đạt được 80 điểm trong bảng xếp hạng năm nay, điều này đưa thành phố của Nhật Bản về vị trí thứ 5.

Tác động của đại dịch COVID-19

Thủ đô Amsterdam của Hà Lan đứng thứ 6 với 79,3 điểm; trong khi thủ đô Wellington của New Zealand đứng ở vị trí thứ 7, với 79 điểm và dẫn đầu tổng thể về hạng mục an ninh môi trường.

Các thành phố ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Hồng Kông (Trung Quốc) và Melbourne (Australia) được xếp đồng hạng 8, sau khi mỗi thành phố nhận được 78,6 điểm. Tiếp theo đó, thủ đô Stockholm của Thụy Điển nắm giữ vị trí cuối cùng trong top 10, với 78 điểm.

Ngoài ra, New York là thành phố được xếp hạng cao nhất của Mỹ trong bảng xếp hạng năm nay, đồng xếp ở vị trí thứ 11, cùng với Barcelona của Tây Ban Nha. Cả 2 thành phố này đều ghi được 77,8 điểm. Thủ đô Washington DC của Mỹ được xếp ngay sau đó, ở vị trí thứ 14; trong khi London (Anh) và San Francisco (Mỹ) đứng ở vị trí thứ 15.

Bên cạnh đó, Lagos của Nigeria, Cairo của Ai Cập, Caracas của Venezuela, Karachi của Pakistan, và Yangon của Myanmar là những thành phố đứng ở 5 vị trí cuối bảng.

Đáng chú ý, không có gì ngạc nhiên khi đại dịch COVID-19 liên tục được đề cập đến trong suốt bảng xếp hạng, đặc biệt là trong các đánh giá về an ninh y tế. Đối với hạng mục này, Copenhagen đạt điểm thấp hơn nhiều so với những hạng mục khác.

Lê Thảo (Lược dịch từ CNN)