Nước mắm từ lâu trở thành sản phẩm đặc trưng ở các làng quê ven biển

Sắp bước sang mùa biển động, nhưng vẫn còn đó nhiều lu mắm còn trống không. Bà Hồ Thị Giang (xã Quảng Công, huyện Quảng Điền) bảo, chưa bao giờ số lượng sản phẩm sản xuất được lại thấp như bây giờ.

Bà Giang hơn 30 năm hành nghề chế biến mắm và sản xuất mắm các loại theo phương thức truyền thống. Mỗi năm bà xuất ra thị trường hàng ngàn lít nước mắm. Từ con cá tươi vùng biển địa phương và khu vực lân cận, vào độ giêng hai, bà tiến hành thu mua, ủ, để rồi sau 9 tháng, nghĩa là thời điểm bây giờ, sản phẩm sẽ được tung ra thị trường. Việc sản xuất được xoay vần từng năm như thế, cứ gối đầu và không bao giờ ngơi nghỉ, thiếu hụt sản phẩm. “Mỗi năm tôi thu mua vài tấn cá các loại để trữ làm mắm. Bây giờ, biển gần nghỉ đông, nguồn nguyên liệu đầu vào khá khan hiếm bởi thuyền ở địa phương đánh bắt sản lượng thấp”, bà Giang chia sẻ.

Nguyên liệu không dồi dào khiến việc sản xuất mắm không còn rộn ràng như ngày trước. Trong khi đó, dịch COVID-19 cũng khiến việc lưu thông các sản phẩm từ mắm ít nhiều ảnh hưởng, do vậy các chủ cơ sở sản xuất mắm cũng chỉ sản xuất cầm chừng. “Đầu vào và đầu ra là hai khâu quyết định hiệu quả của sản xuất mắm, đặc biệt là sản xuất theo phương thức truyền thống. Sản phẩm của tôi ngoài tiêu thụ nội tỉnh còn xuất đi các tỉnh, thành phía nam. Dịch COVID-19 bùng phát khiến việc xuất sản phẩm cho các đầu mối phía nam bị chậm. Chính vì thế doanh thu đang sụt chỉ còn khoảng 1 nửa so với thông thường”, bà Giang nói.

Hiện nay, khi mà các thuyền đánh bắt gần bờ gặp nhiều khó khăn khi vươn khơi thì nguồn nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm và các sản phẩm từ mắm là từ các tàu đánh bắt xa bờ. Không phải bây giờ mà những năm gần đây, sản lượng đánh bắt của ngư dân đang trên đà sụt giảm. Theo đó, việc cung ứng nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất mắm gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, không phải  ngư dân nào cũng sẵn sàng bán nguồn hải sản cho các cơ sở chế biến mắm. “Hải sản loại 1 chúng tôi đánh bắt được thường được các thương lái thu mua, cấp đông rồi tiêu thụ tại các tỉnh, thành khác bằng phương pháp hấp, sấy khô xuất khẩu. Còn lại những loại cá có chất lượng kém hơn, thương lái không mặn mà mới bán lại cho các cơ sở chế biến mắm”, ngư dân Trần Lộc (phường Thuận An, TP. Huế) nói.

So với các sản phẩm công nghiệp, sản xuất mắm thủ công cầu kỳ và mất nhiều công sức, trong đó khâu chọn nguyên liệu là yếu tố then chốt tạo nên chất lượng sản phẩm, hình thành một thương hiệu đúng nghĩa trên thị trường. Song, khi ngư dân không sẵn sàng cung ứng nguồn nguyên liệu loại tốt thì các cơ sở chế biến mắm muốn có được sản phẩm tốt buộc phải thu mua nguồn cá giá cao hơn so với các đầu nậu. “Việc cạnh tranh về giá nguồn nguyên liệu loại 1 với các đầu nậu cảng cá khá khó khăn. Khi chúng tôi mua giá cao thì chi phí tạo thành sản phẩm cao hơn. Lúc đó, lợi nhuận không như mong đợi. Do vậy, để có thể hài hòa chúng tôi cũng sẽ tạo ra những loại mắm có chất lượng khác nhau”, bà Nguyễn Mỹ Tiên (phường Thuận An) cho biết.

Trong chuỗi liên hoàn đánh bắt, tiêu thụ hải sản, chế biến mắm là khâu quan trọng để tạo ra thành phẩm chất lượng, định hình thương hiệu sản phẩm ở các địa phương vùng biển. Bởi vậy mà hầu khắp các làng quê ven biển, nước mắm và các sản phẩm từ mắm thường được chọn là sản phẩm OCOP. Nói không ngoa rằng, ngoại trừ ngư dân, một bộ phận không nhỏ lao động làng biển thu nhập chủ yếu từ ngành nghề này. Chính quyền địa phương cũng bám víu vào đây để giải quyết nguồn lao động. Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) cho hay: “Khi thương hiệu nước mắm Phú Thuận được định hình, không chỉ giải quyết được lao động địa phương mà còn nâng cấp một nghề truyền thống vốn có từ lâu đời ở vùng ven biển”, song ông Tùy cũng thừa nhận, chế biến mắm gặp khó khăn khiến thu nhập lao động ảnh hưởng đáng kể.

Toàn tỉnh có khoảng 120 cơ sở chế biến nước mắm và các sản phẩm từ mắm. Đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho thấy, mặt hàng này đang gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ; COVID-19 khiến giá cước vận tải trở nên đắt đỏ khiến người sản xuất thiệt thòi. Đồng thời, nhiều địa phương ven biển cũng đang trong quá trình giãn cách xã hội khiến việc sản xuất gặp trở ngại. “Sản xuất mắm không phải là công việc tức thời, quy trình sản xuất phải mất khá nhiều thời gian để tạo ra sản phẩm, do vậy dẫu bây giờ đang khó khăn nhưng người dân cần duy trì sản xuất ổn định. Cân đối nguồn nguyên liệu lẫn nhân lực để dự trữ sản xuất. Khi COVID-19 tạm lắng sẽ có sản phẩm tung ra thị trường, tránh đứt đoạn nguồn cung”, ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh thông tin.

Bài, ảnh: Lê Thọ