Đưa ra một con số cụ thể về thời gian rút ngắn từ 7h xuống con 3h, tàu Hà Nội – Lào Cai vắng khách hẳn và chi phí vận chuyển giảm 30% kể từ khi đưa tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai vào khai khác, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh rằng, vận chuyển đường sắt nói riêng và các phương tiện vận chuyển khác nói chung, nếu không cải tiến thì phải chấp nhận thất bại.
Khi mà sự an toàn cho người sử dụng các dịch vụ và phương tiện tham gia giao thông còn tiềm ẩn những rủi ro không lường trước, vấn đề mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt ra đã nhận được sự quan tâm và chú ý của dư luận. Đó cũng là khi nhân tố con người được quan tâm và đặt lên hàng đầu không chỉ ở vai trò của thượng đế mà còn mang trên nó những khía cạnh về nhân văn và xã hội, trước khi được đong đếm bằng doanh thu của các lượt lưu thông và lợi nhuận mà các công ty, nhà xe…thu được.
Bên cạnh những nỗ lực để giải quyết những vấn đề nội tại cũng như thay đổi chất lượng dịch vụ ở đường hàng không trong thời gian gần đây, kết cấu hạ tầng giao thông trên cả nước cũng đã và đang được đầu tư, nâng cấp ở tất cả các tuyến đường bộ, đường thuỷ và đường sắt, góp phần vào việc cải thiện và tăng năng lực vận chuyển hành khách và hàng hoá; giảm áp lực lưu thông trên đường bộ, giảm ùn tắc ở các đô thị, nhất là các đô thị lớn. Theo đánh giá xếp hạng được thực hiện hai năm một lần của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thì năm 2014, năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông Việt Nam đứng ở vị trí thứ 76, tăng 16 bậc so với năm 2012 và 29 bậc so vớ năm 2010. Điều này đã cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, vị trí xếp hạng của Việt Nam vẫn còn thấp. Tồn tại của chúng ta là ở việc đầu tư, kết nối các phương thức vận tải và phát huy hiệu quả của toàn hệ thống chưa đảm bảo. Kết cấu hạ tầng giao thông chưa được khai thác hợp lý và vẫn đang gây nhiều áp lực cho đường bộ. Tỷ lệ đảm nhận giữa các phương thức vận tải chưa cân đối. Một vấn đề khác ảnh hưởng đến việc khai thác và làm giảm hiệu quả đầu tư là công tác giải phóng mặt bằng còn phức tạp, kéo dài tiến độ thi công các công trình. Bên cạnh đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương chưa cao…
Để tạo được sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng trong giao thông, về mặt vĩ mô, tất cả những điều này cần được rà soát và điều hành trên nhiều khía cạnh, từ cơ chế chính sách, từ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đến nhân lực, vật lực và cả tính trách nhiệm, đạo đức của người quản lý và điều khiển phương tiện trong sự vận hành của chuỗi liên kết chặt chẽ và mật thiết trong vận chuyển nói chung...