Nhiều người lo ngại rằng, giá xăng dầu giảm sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô. Bình quân mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 100 triệu thùng dầu. Nếu giá dầu thô giảm từ trên 100 USD/thùng lâu nay xuống còn dưới 50 USD/thùng hiện nay, thì ngân sách hụt khoảng 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá xăng dầu giảm lại là cơ hội để kích thích phát triển kinh tế. Các ngành nghề như vận tải, đánh bắt thủy hải sản; các ngành nghề được cơ giới hóa hoạt động sản xuất bằng động cơ sử dụng nhiên liệu xăng dầu... sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa cũng mạnh dạn về đến các vùng sâu, vùng xa để phân phối sản phẩm, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, kích thích sản xuất.
Vấn đề mấu chốt là các nhà sản xuất, doanh nghiệp phải có phương án sản xuất kinh doanh hợp lý, trong điều kiện giá xăng dầu giảm, coi đây là cơ hội để phát triển. Đó là việc kiện toàn, sắp xếp lại các công đoạn trong sản xuất, từ đầu tư vận hành thiết bị máy móc trong dây chuyền sản xuất đến cả việc đưa đón công nhân một cách tiết kiệm và hiệu quả. Các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý tốt về giá cả, tránh tình trạng bắt tay nhau để đưa ra mức giá thiếu hợp lý; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống hàng lậu, gian lận thương mại để chống thất thu.
Một tín hiệu rất khả quan là thu ngân sách nhà nước trong tháng 1 năm 2015 đã đạt hơn 81.000 tỷ đồng, bằng 8,9 dự toán và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trên địa bàn Thừa Thiên Huế, thu ngân sách nhà nước tháng 1 năm 2015 cũng đạt hơn 420 tỷ đồng, bằng 8,7% dự toán năm. Hiện nay, ngành thuế và hải quan tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp như theo dõi, bám tình hình, tăng cường thanh tra kiểm tra, đôn đốc xử lý thu hồi nợ; hạn chế các trường hợp trốn thuế, kê khai không trung thực trong nộp thuế... Từ sự năng động trong sản xuất kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp, cùng các cơ chế chính sách hợp lý của Nhà nước, ngành chức năng thì việc xăng dầu giảm giá là cơ hội tốt để phát triển kinh tế, ổn định nguồn thu cho ngân sách Nhà nước nói chung, các địa phương nói riêng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.