Hồi trẻ, khi trong nhà tôi có việc cúng bái, tôi thường được cha tôi giao bưng dọn sắp đặt đồ cúng. Những lần như thế, ông vừa hướng dẫn vừa giải thích cho tôi những ý nghĩa nhân văn trong việc đơm cúng của ông bà ta từ ngàn xưa. Lúc bấy giờ, tôi chỉ nghe qua, vẫn nhớ nhưng không chú tâm lắm. Sau này lớn lên, mỗi lần nhớ lại, ngẫm nghĩ thấy vô cùng thấm thía những bài học của cha ông được gửi gắm thông qua các hình tượng được trình bày trong các lễ cúng hay tặng vật trong các lễ hỏi, cưới. Một số câu chuyện cha tôi kể dạy mà tôi còn nhớ.

Ngày tết, ngày kỵ hầu như gia đình nào cũng thường chọn cho được một nải chuối đều, đẹp để đơm cúng bàn thờ tổ tiên. Ông bảo, sở dĩ cha ông ta chọn chuối để cúng là vì tất cả các nải chuối thường có các trái tương đối đồng đều, đều chung trong 1 buồng chuối, ý nhắc nhở cho con cháu biết tất cả đều từ một gốc mà sinh ra, gửi gắm trong đó mong muốn cho con cháu phát đạt đồng đều.

Trong các lễ hỏi, cưới, bố mẹ thường tặng các đồ trang sức có các tên gọi đầy ý nghĩa. Cha tôi giải thích thật thú vị. Ông nói, tặng nhẫn cưới cho đôi vợ chồng trẻ nhằm nhắc nhở dâu rể trong cuộc sống vợ chồng sẽ có lúc “sóng gió”, vì vậy, phải luôn luôn “nhẫn”, không chỉ nhẫn trong gia đình mà còn phải kiên nhẫn trong cuộc sống. Tặng cô dâu đôi tằm với mong muốn là chăm chỉ, cần mẫn , tích tiểu thành đại trong gia đình như con tằm ăn lá dâu.Tặng cái kiềng với nghĩa là bà chủ của “cái bếp” trong gia đình, để trong nhà luôn được sưởi ấm và “ cơm lành, canh ngọt”. Tặng vòng xuyến với ý nghĩa cô dâu sẽ quán xuyến tốt công việc gia đình. Tặng đôi bông tai với mong muốn cô dâu luôn xinh đẹp và tươi như hoa (bông), cho dù cuộc sống xã hội cũng như gia đình có những lúc “sóng gió”.Tặng dây chuyền ngầm nhắc nhủ cô dâu, chú rể mọi việc trong gia đình, dòng tộc đều có móc xích lẫn nhau, khi hành động hay nói năng cần cẩn trọng; dây chuyền còn biểu trưng cho sự cố kết gia đình, dòng tộc.

Hằng năm, tục lệ của quê hương thường có cúng đất. Lễ cúng, ngoài việc dọn đồ cúng cho thổ thần, thường luôn được bày dọn “áo, cháo, gạo, muối” gọi là để cúng cho cô hồn, là những linh hồn không có thân thích chăm lo cúng kỵ. Ngầm dạy, cha ông mình, thổ thần đất đai được “ăn uống” đàng hoàng thì cũng phải “bố thí” cho cô hồn cũng có cái để ăn, mình có cơm thì họ có cháo, thật sâu sắc!

Về mặt thực tế, việc vãi cháo, gạo, muối ra sân, ra vườn thì cũng “phục vụ” nuôi gà, chim để bắt sâu và để “cân bằng sinh thái”. Cúng đất còn đơm các món như cá nướng ngang, nướng dọc, tôm (bơi  dọc, lùi), cua (bò ngang) để mong muốn con cháu tới lui, tung hoành trên đời khỏe mạnh bình an; trứng vịt (con vịt có thể sống cả trên cạn lẫn dưới nước) để ngầm mong muốn cầu xin thổ thần, những kẻ “khuất mặt khuất mày” phù hộ cho con cháu trong gia đình ở môi trường nào trên cạn hay dưới nước đều có thể “sống” được cả.

Tôi cũng không rõ ông được ai “ truyền” cho những thông tin đó, có thể có người còn hiểu sâu hơn, rộng hơn ý nghĩa của những tặng phẩm, hình tượng trên, nhưng đối với tôi chừng đó đã vô cùng sâu sắc và nó giúp tôi luôn ghi nhớ nằm lòng mỗi khi có “sự việc” gì cần liên hệ. Tôi lại tiếp tục làm cái công việc của cha tôi, kể lại cho con cháu, người thân và bạn bè để cùng nhau chia sẻ và ngẫm nghĩ.

Vinh Dung