Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ô tô vốn FDI tại Hải Dương, Việt Nam. Ảnh: AFP/Nhadautu

Theo Sian Fenner, nhà kinh tế hàng đầu châu Á của Oxford Economics, trong khi các chuỗi cung ứng tiếp tục điều chỉnh theo chi phí lao động cao hơn ở Trung Quốc và chủ nghĩa bảo hộ thương mại, Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam, sẵn sàng trở thành người hưởng lợi chính. Dựa trên bảng điểm thu hút FDI mới của Oxford Economics, Trung Quốc là điểm đến hấp dẫn nhất đối với FDI, chiếm hơn 9% tổng vốn FDI toàn cầu trong thập kỷ tới.

Điều đó cho thấy tỷ trọng dòng vốn FDI toàn cầu có thể sẽ có xu hướng thấp hơn trong giai đoạn 2020-2029, do thành phần đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc tiếp tục phát triển .

Cụ thể, đầu tư nước ngoài có thể sẽ hướng nhiều hơn vào dịch vụ và đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa Trung Quốc. Trong khi đó, dòng FDI trước đây hướng vào lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu có kỹ năng thấp có thể sẽ tiếp tục được chuyển hướng sang các nước châu Á khác. Đặc biệt, Việt Nam được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ những điều chỉnh chuỗi cung ứng này, do vị trí gần Trung Quốc, có chi phí nhân công thấp và đã tham gia các hiệp định thương mại tự do. Tuy vậy, bà Fenner lưu ý, Việt Nam vẫn cần cải cách cơ cấu để nâng cao khả năng kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và phải đảm bảo giáo dục đầy đủ để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Trong khi đó, Oxford Economics nhận định các nền kinh tế tiên tiến ít có khả năng được hưởng lợi nhất, do mức lương cao và triển vọng nhân khẩu học đầy thách thức. Đồng thời, môi trường FDI ở các nền kinh tế tiên tiến cũng trở nên hạn chế hơn kể từ sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, dù các nước này có thể không phải là điểm đến hấp dẫn đối với FDI, nhưng chúng được kỳ vọng sẽ vẫn là nguồn cung cấp FDI quan trọng trong khu vực, với Hiệp định RCEP tiếp tục thúc đẩy dòng vốn nội khối khi khối hội nhập kinh tế hơn nữa.

TỐ QUYÊN

 (Lược dịch từ Business Times)