Tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2021 của tỉnh vừa diễn ra, một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng được chỉ ra là xây dựng các chương trình, kịch bản phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội cho những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Tất nhiên phải đi kèm với đó là triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch bùng phát.

Mục tiêu, nhiệm vụ này không chỉ Thừa Thiên Huế mà cả nước cũng đang triển khai thực hiện, khi các biện pháp phòng, chống dịch đã được điều chỉnh để thích ứng với trạng thái bình thường mới. Một số đường bay dần được nối lại, nhà ga mở cửa đón khách, vận tải đường bộ liên tỉnh cũng được phép hoạt động trở lại… Điều đó cũng đồng nghĩa với hàng hóa sẽ lưu thông thuận lợi hơn, việc đi lại của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia… cũng không còn khó khăn như trước. Khi giao thương thuận lợi, rõ ràng sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Một yếu tố khác cũng được đánh giá là có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là việc giải ngân vốn đầu tư công. Nếu nguồn vốn này giải ngân thấp thì các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng khó đạt được.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 47,38% kế hoạch; trong đó, có 36 bộ, cơ quan Trung ương và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%, chỉ có 4 cơ quan Trung ương và 11 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 60%. Ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch COVID-19 buộc phải triển khai các biện pháp giãn cách xã hội, khiến giao thương khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá vật liệu tăng cao..., thì nguyên nhân chủ quan được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, tổ chức đầu tháng 10 còn do sự lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, sâu sát, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy. Việc phân bổ vốn còn dàn trải, thiếu tập trung, lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế. Các thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn còn chậm...

Nhận thức được tầm quan trọng của việc giải ngân vốn đầu tư công đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế, lãnh đạo tỉnh trong phiên họp thường kỳ vừa nêu đã yêu cầu các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay. Nếu dự án nào không đạt tỷ lệ giải ngân 60% tính đến cuối tháng 9/2021 sẽ cắt giảm và điều chuyển nguồn vốn cho dự án khác.

Tín hiệu khả quan là Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm những địa phương có tiến độ giải ngân khá tốt, đạt 55% tính đến ngày 30/9, tương đương 2.605 tỷ đồng, dù trước đó hơn 1 tháng (ngày 20/8), tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 39,3%. Kết quả đó phản ánh rõ sự quyết tâm, nỗ lực của địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án có vốn đầu tư công trên địa bàn.

Tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Doanh nghiệp luôn là xương sống, là đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ khi doanh nghiệp “khỏe” thì kinh tế - xã hội mới phục hồi và phát triển. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp có tính quyết định cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế được tỉnh lựa chọn và triển khai. 

Có thể thấy sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cho mục tiêu chung là phục hồi và phát triển kinh tế. Ngoài những giải pháp căn cơ, điều quan trọng không kém còn ở sự nỗ lực vượt qua khó khăn của người dân, doanh nghiệp…

TÂM HUỆ