Nhớ lại cái thời cách đây có lẽ cũng phải đến ba mươi năm, bốn mươi năm, căn bếp chính là chốn thiên đường, là trái tim, là cái dạ dày của cả nhà. Trong căn bếp ám khói của nhà mình, mấy anh em tôi quây quanh mạ chờ bữa cơm tối. Hồi ấy chưa có điện, chỉ thắp đèn dầu, nhà cũng chỉ có một cây đèn nhỏ thắp bàn Phật và một cây đèn bát, không quây quần quanh cái bếp cũng chẳng biết làm chi hơn. Căn bếp là nơi ấm áp nhất, thơm tho nhất và ngọt ngào nhất.

Mạ tôi là người nấu ăn ngon, khéo chế biến, tôi nhớ có nhiều ngày mưa to, sau bữa cơm tối mạ ngào khoai khô với đường đen, giã thêm chút gừng, anh em mỗi người một chén ăn thay chè, ngon như “thấu thiên đường”. Có lúc “sang” hơn, mạ nấu kẹo đậu phụng. Tôi nhớ giọng anh đầu cười nịnh mạ khi nghe mạ nói làm kẹo đậu phụng, vui nhất là lúc thử đậu chín chưa để đổ ra mâm, nóng bỏng thế mà anh nào cũng giành nhau thử. Khi mạ hô “bôi dầu phụng vào cái mâm để mạ đổ kẹo ra”, lệnh vừa ban là anh Tư tôi đã chuồi ngay cái mâm vào tận chỗ mạ ngồi. Mạ tôi đổ nhanh nồi kẹo ra mâm, trang mỏng rồi lấy cái chai cán ra cho đều, trong lúc đó thì anh Tư và anh Năm thêm nước vào nồi làm tô nước đường, thổi phù phù giành nhau uống.

Hồi ấy, trong căn bếp ám khói nhà tôi, anh Ba tôi trưa nào cũng nấu canh rau khoai hay đu đủ kho, hai món cây nhà lá vườn mà nhà tôi trồng cả biền, cho nên tôi phụng phịu khi anh sai đi qua nhà mụ Thu mua “hai hào mỡ, hai hào ruốc, một hào vị tinh” về chỉ để anh nấu mãi hai món ấy. Mà dù có chê ỏng chê eo thế nào thì hai cái nồi cuối bữa cũng sạch bon.

Ôi, cái bếp thân mến, nơi quây quần của bao mái nhà, bao gia đình. Cái màu khói và màu lửa đỏ thiệt là ấm áp. Những ngày xứ Huế mưa triền miên, dai dẳng và dù có lạnh lẽo thế nào đi chăng nữa thì khi mạ nhen bếp lửa đỏ lên là căn nhà ấm áp ngay.

Hôm nay trời Huế mưa, tự nhiên nhớ màu khói trắng, nhớ làn khói bay lên từ nhà hàng xóm xuyên qua màn mưa trông lãng mạn mà có chút buồn buồn hoài niệm. Một làn khói bay lên, mưa gió cũng tan đi.

Bây giờ người ta đi lùng mua những cái gác-măng-rê thời ấy, tức là những cái tủ đựng thức ăn, vật dụng luôn luôn được đặt gần cái bếp. Tôi còn nhớ đó là dạng tủ có bốn chân với bốn chén nước để ngừa kiến, nhiều nhà chưng như một vật gợi ký ức xa xăm. Mà lạ, những vật xa xưa ấy được sắp xếp trong không gian một ngôi nhà cổ toát lên một vẻ đẹp chân quê mà thân thiết. Bây giờ chắc chắn có nhiều bạn trẻ không biết nấu cơm bằng bếp củi, không biết cách nhen một bếp củi, nghĩa là khi các bạn trẻ lớn lên, nhà đã có bếp gas hay bếp điện, đã có nồi cơm điện nhưng nhiều bạn vẫn mê những không gian cổ xưa, đầy hoài niệm như thế.

Nếu kể chuyện cái bếp, nhớ làn khói bếp, chắc có lẽ chỉ những người thuộc thế hệ 8X hoặc 9X trở về trước mới biết nên đôi khi tôi kể chuyện nhà mà bọn trẻ trong nhà ngồi nghe như kể chuyện thời xửa, thời xưa.

Nhớ cái bếp củi không thể nào quên những ngày mưa, nấu cơm mà củi ướt, chao ơi là nước mắt nước mũi chảy theo khói bếp. Nấu chín một nồi cơm hay một bữa ăn mà gặp củi ướt thì cực không còn chỗ nói. Vì thế mà có câu chuyện bọt củi, là một loại “thuốc dân gian” để chữa nước ăn chân hay lở miệng. Đó là do củi ướt, cuối đầu que củi có một thứ nước màu vàng, sôi như bong bóng vỡ và lỡ đụng vào thì rất nóng, ngón tay vàng khè theo và dân gian dùng để chữa nước ăn chân hay lở miệng. Ai có nấu cơm bếp củi, chí ít cũng có một vết dấu màu vàng trên tay là vì thế.

Ngày mưa đôi khi gợi những nỗi nhớ xa xăm, nhớ cái bếp củi lửa hồng, lòng bỗng ấm lại những kỷ niệm ngày thơ bé, ngoài kia mưa giăng cũng không còn lạnh nữa.

XUÂN AN