ClockChủ Nhật, 24/10/2021 11:41

Ngày mưa, nhớ cái bếp củi

TTH - Tôi tin cái bếp ám khói là một mảng màu ký ức đong đầy yêu thương của những người ít nhất cũng thuộc thế hệ 7X, 8X trở về trước. Cho nên khi nhìn ngoài trời mưa nặng hạt, những làn gió làm lay động mấy cây cau nhà hàng xóm, tôi bỗng nhớ đến những làn khói của những bữa cơm chiều năm nào nhà còn nấu bếp củi.

Vườn hoa tết trước sân

Nhớ lại cái thời cách đây có lẽ cũng phải đến ba mươi năm, bốn mươi năm, căn bếp chính là chốn thiên đường, là trái tim, là cái dạ dày của cả nhà. Trong căn bếp ám khói của nhà mình, mấy anh em tôi quây quanh mạ chờ bữa cơm tối. Hồi ấy chưa có điện, chỉ thắp đèn dầu, nhà cũng chỉ có một cây đèn nhỏ thắp bàn Phật và một cây đèn bát, không quây quần quanh cái bếp cũng chẳng biết làm chi hơn. Căn bếp là nơi ấm áp nhất, thơm tho nhất và ngọt ngào nhất.

Mạ tôi là người nấu ăn ngon, khéo chế biến, tôi nhớ có nhiều ngày mưa to, sau bữa cơm tối mạ ngào khoai khô với đường đen, giã thêm chút gừng, anh em mỗi người một chén ăn thay chè, ngon như “thấu thiên đường”. Có lúc “sang” hơn, mạ nấu kẹo đậu phụng. Tôi nhớ giọng anh đầu cười nịnh mạ khi nghe mạ nói làm kẹo đậu phụng, vui nhất là lúc thử đậu chín chưa để đổ ra mâm, nóng bỏng thế mà anh nào cũng giành nhau thử. Khi mạ hô “bôi dầu phụng vào cái mâm để mạ đổ kẹo ra”, lệnh vừa ban là anh Tư tôi đã chuồi ngay cái mâm vào tận chỗ mạ ngồi. Mạ tôi đổ nhanh nồi kẹo ra mâm, trang mỏng rồi lấy cái chai cán ra cho đều, trong lúc đó thì anh Tư và anh Năm thêm nước vào nồi làm tô nước đường, thổi phù phù giành nhau uống.

Hồi ấy, trong căn bếp ám khói nhà tôi, anh Ba tôi trưa nào cũng nấu canh rau khoai hay đu đủ kho, hai món cây nhà lá vườn mà nhà tôi trồng cả biền, cho nên tôi phụng phịu khi anh sai đi qua nhà mụ Thu mua “hai hào mỡ, hai hào ruốc, một hào vị tinh” về chỉ để anh nấu mãi hai món ấy. Mà dù có chê ỏng chê eo thế nào thì hai cái nồi cuối bữa cũng sạch bon.

Ôi, cái bếp thân mến, nơi quây quần của bao mái nhà, bao gia đình. Cái màu khói và màu lửa đỏ thiệt là ấm áp. Những ngày xứ Huế mưa triền miên, dai dẳng và dù có lạnh lẽo thế nào đi chăng nữa thì khi mạ nhen bếp lửa đỏ lên là căn nhà ấm áp ngay.

Hôm nay trời Huế mưa, tự nhiên nhớ màu khói trắng, nhớ làn khói bay lên từ nhà hàng xóm xuyên qua màn mưa trông lãng mạn mà có chút buồn buồn hoài niệm. Một làn khói bay lên, mưa gió cũng tan đi.

Bây giờ người ta đi lùng mua những cái gác-măng-rê thời ấy, tức là những cái tủ đựng thức ăn, vật dụng luôn luôn được đặt gần cái bếp. Tôi còn nhớ đó là dạng tủ có bốn chân với bốn chén nước để ngừa kiến, nhiều nhà chưng như một vật gợi ký ức xa xăm. Mà lạ, những vật xa xưa ấy được sắp xếp trong không gian một ngôi nhà cổ toát lên một vẻ đẹp chân quê mà thân thiết. Bây giờ chắc chắn có nhiều bạn trẻ không biết nấu cơm bằng bếp củi, không biết cách nhen một bếp củi, nghĩa là khi các bạn trẻ lớn lên, nhà đã có bếp gas hay bếp điện, đã có nồi cơm điện nhưng nhiều bạn vẫn mê những không gian cổ xưa, đầy hoài niệm như thế.

Nếu kể chuyện cái bếp, nhớ làn khói bếp, chắc có lẽ chỉ những người thuộc thế hệ 8X hoặc 9X trở về trước mới biết nên đôi khi tôi kể chuyện nhà mà bọn trẻ trong nhà ngồi nghe như kể chuyện thời xửa, thời xưa.

Nhớ cái bếp củi không thể nào quên những ngày mưa, nấu cơm mà củi ướt, chao ơi là nước mắt nước mũi chảy theo khói bếp. Nấu chín một nồi cơm hay một bữa ăn mà gặp củi ướt thì cực không còn chỗ nói. Vì thế mà có câu chuyện bọt củi, là một loại “thuốc dân gian” để chữa nước ăn chân hay lở miệng. Đó là do củi ướt, cuối đầu que củi có một thứ nước màu vàng, sôi như bong bóng vỡ và lỡ đụng vào thì rất nóng, ngón tay vàng khè theo và dân gian dùng để chữa nước ăn chân hay lở miệng. Ai có nấu cơm bếp củi, chí ít cũng có một vết dấu màu vàng trên tay là vì thế.

Ngày mưa đôi khi gợi những nỗi nhớ xa xăm, nhớ cái bếp củi lửa hồng, lòng bỗng ấm lại những kỷ niệm ngày thơ bé, ngoài kia mưa giăng cũng không còn lạnh nữa.

XUÂN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Dịu ngọt ngày mưa

Cơn gió lướt qua vườn, mang theo những hạt mưa rắc xuống từng tán lá, ngọn cây phía sau nhà, làm nảy nở bao âm thanh dịu ngọt. Trong những đêm mưa như thế, tôi thích nằm nghe những âm thanh từ khu vườn nhỏ rớt vào nhà qua những ô cửa gỗ.

Dịu ngọt ngày mưa
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Cá cấn ngày mưa

Phánh gọi điện dặn: “Ngoại ơi, tết con về quê ăn tết nha ngoại. Đến lúc đó, con cá cấn trên sông còn không ngoại hè?”. Mẹ tôi nói, giờ đang mùa mưa, cá cấn nhiều lắm, bây về chừ thì tha hồ ăn, còn tết thì không hứa.

Cá cấn ngày mưa

TIN MỚI

Return to top