Người ta biết đến Phan Công Tuyên ở cương vị nhiều năm làm thủ lĩnh Đoàn và Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (với kỷ lục 4 nhiệm kỳ liên tiếp) nhiều hơn là biết anh với tư cách là người yêu thơ và có làm thơ. Điều ấy cũng phải thôi, bởi như có lần anh tâm sự “không dám gọi là thơ, đó chỉ là những cảm xúc được ghi chép lại để lưu giữ buồn vui nếm trải trên đường đời”. Thật vậy, anh nói bằng thơ với “Làng Vân Thê bên sông Như Ý”, nơi anh cất tiếng khóc chào đời, có “Lũy tre làng xanh tốt/ Còn vọng tiếng ầu ơ!... tiếng gà gáy ban trưa/ Mảnh hồn quê man mác” (Nhớ về làng quê). Anh nhớ ngày đầu tiên cắp sách đến trường làng, nhớ trò chơi thời thơ ấu, nhớ những ngày quê hương đầy lửa đạn, nhớ những năm tháng miệt mài trên giảng đường Đại học Sư phạm Huế, nhớ bạn bè, thầy cô, đồng chí thân thương trên bước đường rong ruổi ngược xuôi…; Nhớ và hoài niệm là mạch cảm xúc xuyên suốt tập thơ, tuy đậm nhạt có khác nhau, nhưng cái tình của người thơ thì cứ bàng bạc và man mác. Bên cạnh những bài “nói” về những sự kiện lớn của đất nước, quê hương, về Đảng và Bác Hồ kính yêu, về anh hùng liệt sĩ… có lẽ lắng đọng lại trong tôi là khi anh “nói” về mẹ, về vợ, về hai đứa con trai yêu quý của mình. Với người mẹ kính yêu đã khuất bóng “Mẹ về trong giấc mơ con / Nỗi nhớ người mẹ ngập tràn tuổi thơ / Mẹ ơi con nhớ ngày xưa/ Tảo tần lặn lội sớm trưa ngoài đồng / Nuôi con bú mớm ẵm bồng... Mẹ là nước mát trong lành / Mẹ là quả ngọt trên cành tỏa thơm” (Mười năm Mẹ đi xa). Anh thầm biết ơn cô “sinh viên khoa Ngữ văn ngày ấy” và bây giờ là người vợ hiền đã sát cánh bên anh chia bùi sẻ ngọt, nuôi dạy hai con khôn lớn nên người “Em, có lời nào nói hết / Tình yêu thương thắm thiết / Đằm thắm nghĩa vợ chồng” (Vợ hiền). Anh bộc bạch với hai con trai “Ba mẹ quen nhau từ trường sư phạm/ Tình nghĩa vợ chồng muối mặn gừng cay /…Tuổi ba mẹ bây giờ hy vọng ước ao / Các con trưởng thành tương lai phía trước / Sẽ làm được những điều ba mẹ chưa làm được” (Nói với con). Thế mới biết tấm lòng của người cha thương yêu, tự hào, gửi trọn niềm tin vào hai con của mình đến nhường nào.
Lê Viết Xuân
Đâu chỉ là “Nói với con”, mà anh đang tự sự về mình đấy chứ. Tôi tin khi gấp lại trang cuối tập thơ này, người đọc sẽ có cái nhìn khác về anh, khách quan hơn, đồng cảm và nhân văn hơn. Bởi văn là người. Viết được một bài thơ đã khó, có hẳn một tập thơ để lưu bóng thời gian, neo giữ tình người lại càng không dễ...