Người dân đi sơ tán trong một trận lũ xảy ra tại tỉnh Đông Java, Indonesia hồi năm ngoái. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo báo cáo, lũ lụt đã dẫn đến 16% trong tổng số thiệt hại được bảo hiểm thứ cấp do các hiểm họa trong giai đoạn 2011-2020. Đáng chú ý, lũ lụt chiếm hơn 45% tổng thiệt hại do thiên tai, với giá trị 137 tỷ USD kể từ năm 1990 ở 9 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cao hơn cả bão và động đất.

Các phát hiện của ấn bản thứ 5 của báo cáo "ASEAN Insurance Pulse 2021" được dựa trên những cuộc phỏng vấn với Giám đốc Điều hành đại diện cho 27 công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm trong khu vực và trên quốc tế, các đơn vị trung gian, các nhà hoạch định chính sách và các hiệp hội thương mại, Công ty Tái bảo hiểm Malaysia Re của Malaysia, công ty thực hiện báo cáo này cho biết.

Cụ thể, báo cáo năm nay tập trung vào các thảm họa thiên nhiên và đặc biệt là rủi ro lũ lụt, cũng như các tác động của lũ lụt đối với nền kinh tế ASEAN và thị trường bảo hiểm. 

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của các nguyên tắc về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) trong việc bảo hiểm và quản lý tài sản của các công ty bảo hiểm.

“Chúng tôi đang nhận thấy nhu cầu gia tăng về bảo hiểm thảm họa thiên nhiên trong khu vực ASEAN. Biến đổi khí hậu đang tác động đến nhận thức rủi ro của mọi người... Con người ngày càng nhận thức được rằng, các hình thái thời tiết đang thay đổi so với quá khứ; mực nước biển đang dâng cao, tần suất lũ lụt ven biển mở rộng, và mùa gió mùa dường như đã chuyển dịch. Trong khi tài sản có thể bảo hiểm đã tăng lên, khách hàng cũng tìm kiếm sự bảo vệ khỏi các hiểm họa thiên nhiên”, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Malaysia Re, ông Zainudin Ishak nhận định.

“Chúng tôi hy vọng, các đối tác trong ASEAN sẽ nhận thấy báo cáo năm nay có giá trị, khi chúng tôi tìm hiểu các thảm họa thiên nhiên và lũ lụt là mối nguy hiểm chính gây ra sự tàn phá lớn nhất trong khu vực”, ông Zainudin Ishak nói thêm.

Lê Thảo (Lược dịch từ The Edge Markets)