Tổng Giám đốc công ty bia H đã thực hiện một loạt chính sách cải cách doanh nghiệp. Trước tiên là giảm biên. Tiếp đến là đấu giá một số sản phẩm. Ví dụ như hèm bia. Đã đấu giá chắc chắn là làm lợi cho doanh nghiệp rồi.
Một công ty liên doanh khác hoạt động ở lĩnh vực xi măng cũng vậy. Khi chuyển đổi chủ sở hữu doanh nghiệp, chuyển sang 100% vốn nước ngoài, tổng giám đốc mới cũng thực hiện một loạt cải cách tương tự.
Hai ví dụ nói trên cho thấy, hình thức chủ sở hữu rất quan trọng trong hoạt động kinh tế. Hình thức chủ sở hữu như thế nào nó cho ra sản phẩm như thế ấy. Nói khác hơn là mỗi hình thức chủ sở hữu đưa đến một hình thức quản trị doanh nghiệp và hiệu quả kinh tế khác nhau.
Về bản chất kinh tế thì ai cũng biết, đã hoạt động kinh tế thì phải hướng đến lợi nhuận. Đừng nói hình thức chủ sở hữu thế này có trách nhiệm xã hội hơn chủ sở hữu kia. Trách nhiệm xã hội cũng là một điều kiện quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp bỏ ra một đồng cho các hoạt động xã hội chẳng hạn, đừng tưởng họ mất. Đôi khi cái được đưa lại còn lớn hơn một đồng. Đó là hình ảnh doanh nghiệp trong mắt khách hàng…
Thế thì mỗi loại chủ sở hữu khác nhau cái gì? Đó là cái được và mất.
Các loại hình doanh nghiệp mà chủ sở hữu không phải là Nhà nước, vốn là vốn của họ bỏ ra nên họ có trách nhiệm với đồng vốn của mình. Được là mình được mà mất là mất chính của mình. Chính vì vậy mà họ tìm mọi cách để sử dụng đồng vốn sinh lợi, hiệu quả. Chính chủ sở hữu dẫn đến một cách quản trị doanh nghiệp hiệu quả.
Doanh nghiệp Nhà nước thì khác. Vốn là vốn Nhà nước bỏ ra. Mất là Nhà nước mất. Nhưng được chưa hẳn là Nhà nước được. Vấn đề ở đây là người đại diện điều hành doanh nghiệp. Họ là người được nhà nước cử ra điều hành doanh nghiệp. Và điều ấy cũng có nghĩa là có một lúc nào đó, Nhà nước sẽ không cần họ. Và điều này thì có quá nhiều lý do mà người điều hành doanh nghiệp khó nắm bắt được. Chính vì lý do cốt lõi này mà đại diện doanh nghiệp nhà nước hoặc thiếu động lực, hoặc tóm vén cá nhân. Thay vì mục tiêu tối thượng là làm sao sử dụng đồng vốn sinh lời, hiệu quả thì người đại diện doanh nghiệp còn chú tâm một phần khác là tạo mối quan hệ ngoài bản chất kinh tế.
Một nhiệm vụ quan trọng của đất nước mà Chính phủ đang thực hiện là cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng thay đổi hình thức chủ sở hữu. Nhà nước chỉ nắm những lĩnh vực quan trọng, cần thiết, những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không thể làm hoặc không làm tốt. Nhưng xem ra nhiệm vụ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn rất nặng nề. Có nhiều lý do nhưng có một lý do là sự trì kéo lợi ích nhóm.