Với trên 500 lễ hội lớn nhỏ, khoảng hơn 1/5 trong số đó được bảo tồn và phục dựng và đa số diễn ra trong đầu năm mới, Thừa Thiên Huế tự hào là vùng đất của lễ hội. Ở đây, lễ hội xuân bắt đầu từ rất sớm. Trước khi lễ hội bài chòi diễn ra, vào ngày 23 tháng Chạp, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế trang trọng tái hiện lại nghi lễ dựng nêu ngày Tết tại Thế Tổ Miếu - Đại Nội Huế với đầy đủ các nghi thức cờ, lọng, trống, kèn cùng đội vác nêu và lính hầu. Còn ngay từ mùng Một Tết, lễ hội đu tiên Phước Yên có lịch sử trên 500 năm khai hội. Tiếp theo đó là một lịch trình dày đặc lễ hội trong các ngày xuân. Nào đu tiên, nào vật, nào bài chòi, nào đua ghe…Không gian lễ hội xuân Thừa Thiên Huế không bó hẹp tại thành phố Huế mà đã mở rộng ra các vùng miền trong tỉnh, cho thấy một sắc thái đa dạng và phong phú.

Không nằm ngoài ý nghĩa chung, lễ hội xuân ở Huế được tổ chức nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, vụ mùa bội thu, tai qua nạn khỏi. Đó cũng là cách để người Huế tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân tiên tổ. Người làng Sình chẳng hạn, vẫn có quan niệm rằng hội vật năm nào thu hút được càng nhiều người xem thì năm đó càng làm ăn phát đạt và phải tổ chức xong hội vật thì mọi người mới yên tâm làm việc. Trên hết vẫn bắt gặp ở lễ hội xuân xứ Huế quan niệm về tổ chức lễ hội làm nơi gặp gỡ, trao duyên và với phương châm “vui vẫn là chính”. Hội đu tiên xưa kia được tán thưởng bằng câu ca dao: “Nhún mình như thể nhún đu/ Càng nhún càng dẻo, càng đu càng mềm”, để rồi có nhiều cặp đôi trai gái nhờ hội đu tiên mà nên duyên chồng vợ. Hay như lời mời gọi vui vẻ khó cưỡng của hội vật làng Lại Ân:“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày hội vật thì quay về Sình”.

Lễ hội xuân đang có xu hướng bùng phát với nhiều biến tướng khó lường. Đã có nhiều đơn vị và người tổ chức lễ hội không có đủ kiến thức nền tảng về văn hóa nên có sự hiểu nhầm. Họ đã tạo ra những cái mới và sự biến tướng nguy hiểm theo hướng mở rộng quy mô và gia tăng các yếu tố trục lợi. Không ít người đi dự lễ hội theo đuổi nhu cầu thực dụng. Các lễ hội ở Thừa Thiên Huế nhìn chung bảo lưu được các giá trị truyền thống. Phần lễ có nghi thức trang trọng, có tính điển lệ rất chặt chẽ từ việc cúng tế, trang phục đến tư cách và sự ứng xử văn hóa. Phần hội được chú trọng với những sinh hoạt vui tươi lành mạnh và mang tính cộng đồng cao. Lễ hội xuân ở Huế vẫn là sự đảm bảo nguyên tắc “xưa bày nay làm”. Còn đây là con số thống kê, tháng 2-2015, lượng khách đến Huế đạt gần 438 ngàn người (gần gấp đôi mức bình quân trong năm 2014) với 165.417 khách nước ngoài, trong đó chỉ tính từ 27 đến mùng 6 Tết Ất Mùi đã có 82 nghìn lượt khách và riêng khách quốc tế lên đến trên 48.000 người. Con số so sánh này cho thấy, “Tết đến xuân về” là thời điểm của du lịch Huế. Khách các nơi đổ về Huế đón Tết và hơn thế là để tham dự những lễ hội đầu xuân.

Nằm trong vùng văn hóa rất đặc biệt, tâm tính người Huế mình bình lặng, không hề thích khoa trương, tham dự lễ hội bằng cái tâm cầu nguyện an lành chứ không hề vụ lợi. Đó chính là sự khác biệt của lễ hội xuân xứ Huế. Ai đó có thể vẫn chưa thực sự bằng lòng với quy mô nhỏ lẻ, ít có sự đổi mới và cách tân, nhưng công bằng mà xét, đó lại chính là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của lễ hội xuân đất Thần kinh. Để rồi vẫn còn đó trong mùa xuân Ất Mùi này cái không khí trẩy hội nô nức, rộn ràng của thuở nào “Ai về cầu ngói Thanh Toàn/ Cho em về với một đoàn cho vui”. Còn nơi các lễ hội xuân bên các sới vật, cạnh những khúc sông hay ở góc sân đình, dù cho tiết trời đầu năm mới nắng nóng và oi bức nhưng vẫn là không khí đông vui, ngập tràn bao tiếng hò reo và nói cười rộn rã. Và khi mà “vui vẫn là chính”, thì đến với lễ hội xuân xứ Huế là tìm đến với niềm vui, bỏ lại đằng sau bao lo toan của cuộc sống mưu sinh để cùng chuẩn bị và hướng về phía trước với bao công việc và dự định của mỗi người, mỗi nhà và của cả vùng đất.

Sự đời, ai mà chẳng thích vui.

Lê Thục Đan