Tại hội nghị

Hội nghị lần này đã rà soát và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan lần cuối để thông qua đề án. Sau khi nghe Ban Dân tộc báo cáo dự thảo Đề án, nhiều ý kiến cho rằng, đối với mục tiêu đến năm 2025, cần nâng cao về tỷ lệ sử dụng nước sạch; có chỉ tiêu cụ thể về đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở địa phương. Về chỉ tiêu 20% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng, ngành văn hóa cho rằng, việc thành lập các câu lạc bộ thì có thể thực hiện được nhưng duy trì hoạt động thường xuyên, có chất lượng thì khó có thể thực hiện đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, cần đánh giá lại chỉ tiêu này...

Hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới cho rằng, về chỉ tiêu tăng cường công tác y tế để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại cần được xem xét lại vì với điều kiện hiện tại ở khu vực miền núi, dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại cho người dân khó đảm bảo.

Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đơn vị. Ban biên tập Đề án cần nghiên cứu để hoàn chỉnh Đề án cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030 là Chương trình lớn của Đảng và nhà nước. Trong đó việc xác định các nhiệm vụ trọng tâm cũng như mục tiêu đến năm 2030 của Đề án có ý nghĩa then chốt. Sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 sẽ tác động tích cực và quyết định đến sự thành công của Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030.

Tin, ảnh: Ngọc Minh