Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế - Nguyễn Thị Sửu trong một lần phát biểu tham luận tại hội trường Quốc hội
Bên lề Quốc hội, trao đổi với phóng viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế - Nguyễn Thị Sửu kỳ vọng vào phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về các giải pháp cho những vấn đề nêu trên. Đồng thời mong muốn, cần đầu tư hơn nữa nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục.
Theo đại biểu, làm thế nào để đảm bảo an toàn khi học trực tuyến là vấn đề được đặt ra gần đây. Những hệ luỵ về tâm lý của học trực tuyến sẽ trở thành vấn đề học đường trong thời gian tới. Ví dụ, học sinh không được hoạt động ngoài trời, các hoạt động trải nghiệm không được triển khai, điều này làm hạn chế sự phát triển của các em. Đại biểu sẽ gửi nội dung này chất vấn bộ trưởng.
Ngoài ra, hạ tầng việc học online, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 chưa có gì nhiều do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Việc phân bổ nguồn ngân sách ra sao, mức độ sử dụng thế nào. Đặc biệt, vấn đề đầu tư cho đội ngũ quản lý, đổi mới nhà quản lý, giáo viên hậu COVID-19 ra sao? Việc thích ứng và thích nghi của người học? Đặc biệt là học sinh mầm non, tiểu học rất cần phát triển toàn diện về nhân cách cũng như thể chất thì giải quyết ra sao?
Đến nay, việc thích ứng với giảng dạy online chỉ một bộ phận giáo viên ở những vùng thuận lợi, thành phố đã kịp thời nhưng ở những vùng sâu, vùng thiểu số là khó khăn. Dịch COVID-19 đã khiến rất nhiều trường học ở vùng biên, vùng nông thôn trở thành khu cách ly. Những nơi ấy chưa phủ hệ thống internet, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng. Bên cạnh đó, họ lại chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt thường xuyên. Dù vậy, ở các mức độ khác nhau, những vùng này đã có sự đồng hành, ưu tiên căn cơ của Đảng và Nhà nước để giáo viên kịp thích ứng theo phương pháp mới. Ở một số vùng trung tâm các xã, huyện biên giới được trang bị hạ tầng công nghệ thông tin nhưng chưa đồng bộ được. Điều này cần được quan tâm hơn. Bên cạnh đó là sự hạn chế của các gia đình khi sử dụng các thiết bị điện thoại thông minh, ipad hay máy tính. Để trang bị được điều đó dường như là không thể.
Giáo dục đang là quyết sách hàng đầu, các vấn đề đổi mới căn bản toàn diện giáo dục dưới những ảnh hưởng của dịch COVID-19 là chưa đạt được mục tiêu. Đại biểu cho rằng, cần đầu tư toàn diện hơn nữa cho ngành giáo dục: Kinh phí, đất đai, nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng đội ngũ thầy cô trong nhà trường. Những người thầy giáo là điểm sáng nhân cách về đạo đức chắc chắn truyền nhanh, mạnh cho người học để ngay từ bé bồi dưỡng, trang bị cách đối nhân xử thế, hài hoà trong mối quan hệ. Đây là điều rất cần trong giáo dục.
Thái Bình- Việt Linh (ghi)